Áp dụng lý thuyết dầm thành mỏng để phân tích sự biến dạng của dầm hộp bê tông cốt thép
30/10/2009
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do TS. Lê Hoàng Hà (Cty CP Tư vấn thiết kế Đường Bộ) thực hiện nghiên cứu áp dụng lý thuyết dầm thành mỏng để phân tích sự biến dạng của dầm hộp bê tông cốt thép.
Theo đó, trong mặt cắt ngang dầm, cần thiết phải xác định độ cứng chống biến dạng mặt cắt ngang dầm hộp. Với các kết cấu dầm hộp thông thường, cần chú ý thiết kế các kích thước mặt cắt ngang dầm hoặc bố trí vị trí sườn tăng cường hoặc dầm ngang để đảm bảo dầm đủ độ cứng, không bị biến dạng mặt cắt ngang. Với các dầm hộp tiết diện lớn, dầm hộp vượt nhịp lớn, dầm có bán kính cong nhỏ hoặc trong trường hợp muốn sử dụng tối ưu hóa kích thước của mặt cắt ngang dầm nhằm tiết kiệm vật liệu và giảm chi phí xây dựng, phải nghiên cứu ảnh hưởng của biến dạng ngang dầm hộp. Khi đó ứng suất gây bóp méo sẽ kết hợp với các dạng ứng suất khác như ứng suất gây uốn, xoắn… tạo thành một dạng ứng suất tổng hợp gây bất lợi với sự làm việc của công trình, cần kiểm tra chi tiết để đảm bảo an toàn khi thiết kế, thi công và khai thác công trình. Để phân tích khả năng biến dạng của mặt cắt ngang và sự ảnh hưởng đến trạng thái ứng suất – biến dạng của dầm, có thể áp dụng lý thuyết thành mỏng kết hợp với mô hình thanh phân tử. Các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng, với việc áp dụng lý thuyết thành mỏng, sự sai khác giữa kết quả thực nghiệm và kết quả lý thuyết nằm trong phạm vi cho phép, đủ độ tin cậy để áp dụng lý thuyết này vào tính toán thiết kế công trình.
LV (nguồn: TC Cầu đường VN, số 5-2009)