Đánh giá biểu hiện lâm sàng, biến chứng và cách điều trị răng mọc ngầm hàm trên
17/07/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Văn Trọng Lân thực hiện nhằm đánh giá biểu hiện lâm sàng, biến chứng và các điều trị răng mọc ngầm hàm trên.
Răng mọc ngầm hàm trên là những răng vĩnh viễn, răng thừa không thể mọc được hết hay một phần thân răng trên cung hàm, nó không lộ vào khoang miệng. Do khi mọc răng bị kẹt bởi răng bên cạnh, bị tổ chức xương cản trở hay mầm răng ở sai vị trí… Răng này là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe con người.
Nghiên cứu tiến hành với 64 người trưởng thành và trẻ em từ 7 tuổi trở lên đến khám và điều trị tại khoa tiểu phẫu thuật trong miệng, bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương từ 8/2004-9/2005 được xác định là có răng mọc ngầm hàm trên (các răng vĩnh viễn và răng thừa ngầm).
Kết quả cho thấy, răng mọc ngầm hàm trên gặp nhiều nhất ở tuổi 9 và 13 tuổi (chiếm 21,8%, nam nhiều hơn nữ). Trong các răng ngầm thì răng thừa ngầm chiếm nhiều nhất (48,4%), răng nanh chiếm 20,3%, răng cửa giữa chiếm 17,2%, răng khôn hàm trên chiếm 10,9%. Lý do đến khám (dấu hiệu lâm sàng) nhiều nhất là lệch lạc nhóm răng cửa hàm trên do răng ngầm chiếm 57,8%, đau do răng ngầm chiếm 23,4%, u nang răng ngầm chiếm 18,8%, nhiễm trùng do răng ngầm chiếm 15,6%. Trong 60 trường hợp được phẫu thuật có 59 trường hợp (98%) là nhổ răng ngầm, 1 trường hợp phẫu thuật bộc lộ và di chuyển răng ngầm bằng thiết bị để đưa về vị trí của nó trên cung hàm. Phẫu thuật nhổ răng ngầm là chính vì bệnh nhân đến khám và điều trị phần lớn là do tai biến của răng mọc ngầm gây nên, chính vì vậy phải nổ răng mọc ngầm để giải quyết nguyên nhân và phòng tai biến do răng ngầm. Thống kê để phát hiện tỷ lệ có răng mọc ngầm hàm trên ở người Việt Nam trên phim panorama, phim cắn hàm trên ở một trung tâm nha khoa là cần thiết và có ý nghĩa.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 3/2008)