SpStinet - vwpChiTiet

 

Đặc điểm lâm sàng và tìm hiểu các yếu tố liên quan trong bệnh rối loạn trầm cảm tuổi vị thành niên

Đề tài do nhóm tác giả gồm Cao Vũ Hùng, Hoàng Cẩm Tú và Nguyễn Viết Thiêm thực hiện nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng của rối loạn trầm cảm ở bệnh nhân tuổi vị thành niên; tìm hiểu một số yếu tố liên quan của rối loạn trầm cảm ở bệnh nhân tuổi vị thành niên.

Trầm cảm là một hội chứng bệnh lý của rối loạn cảm xúc biểu hiện đặc trưng bởi khí sắc trầm, mất mọi quan tâm thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động, phổ biến là mệt mỏi rõ rệt chỉ sau một cố gắng nhỏ, tồn tại trong một khoảng thời gian tối thiểu là hai tuần liên tục. Ngày nay trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến, có xu hướng ngày một tăng cao. Rối loạn trầm cảm trẻ   em tỷ lệ gia tăng theo lứa tuổi và có những nét đặc thù riêng là có tính đa dạng, cạnh những triệu chứng đã kể trên thì các biểu hiện đau cở thể là nổi bật và thường kèm theo với rối loạn lo âu. Nghiên cứu tiến hành trên 40 bệnh nhân từ 10-19 tuổi được khám và điều trị tại Khoa Tâm thần - Bệnh Viện Nhi Trung Ương từ tháng 9/2004 đến tháng 8/2006, được chẩn đoán là rối loạn trầm cảm.
Kết quả cho thấy, tuổi trung bình của bệnh nhi là 14,08±1,39 tuổi, trong đó 10-15 tuổi chiếm 77,5% cho thấy tuổi xuất hiện trầm cảm ở trẻ em khá sớm; tỷ lệ nữ cao hơn nam (1,86/1). Đặc điểm lâm sàng là: mức độ trầm cảm trung bình chiếm tỷ lệ cao (57,5%), thường khởi phát từ từ với các triệu chứng cơ thể; có đầy đủ các triệu chứng của trầm cảm, trong đó tỷ lệ cao là khí sắc giảm (100%), giảm năng lượng, mệt mỏi (92,5%), mất quan tâm thích thú (100%), giảm tập trung chú ý (95%), giảm lòng tự trọng, tự tin (82,5%), rối loạn ăn (85%), rối loạn ngủ (92,5%), ý tưởng và hành vi tự sát là triệu chứng mang tính chất cấp cứu cần được quan tâm (72,5%); thường kèm theo các rối loạn lo âu, rối loạn dạng cơ thể, hành vi né tránh… Các yếu tố liên quan gồm: gia đình xung đột, bố mẹ li dị hoặc li thân; các biến cố xảy ra với trẻ có tỷ lệ cao 57,5%; yếu tố gia đình có tỷ lệ cao trong trầm cảm mức độ nặng.
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 10/2007)