Nghiên cứu tổn thương nhiễm sắc thể do điều trị bằng 131I ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể biệt hoá
03/11/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Nguyễn Văn Kính và nhóm nghiên cứu bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện vừa được Sở KH&CN TP.HCM nghiệm thu.
Đề tài được thực hiện nhằm xác định mối tương quan giữa tần suất biến loạn nhiễm sắc thể (NST) ở máu ngoại vi của bệnh nhân ung thư tuyến giáp (UTTG) biệt hoá với liều điều trị 131I tại một số thời điểm trước và sau điều trị; Khảo sát ảnh hưởng của bức xạ ion hoá lên thai nhi của thai phụ có sử dụng 131I liều cao trong điều trị UTTG thể biệt hoá thông qua các chỉ tiêu biến loạn cấu trúc NST ở máu ngoại vi tế bào dịch ối; Thông qua tần suất biến loạn NST tại thời điểm cao nhất để tính liều hấp thụ tương đương chiếu ngoài ở cơ thể bệnh nhân UTTG thể biệt hoá…
Tác giả tiến hành nghiên cứu trên 145 người (133 nữ và 22 nam), chia thành hai nhóm gồm 48 thai phụ và 97 UTTG biệt hóa với phương pháp di truyền tế bào. Cụ thể các bước được tiến hành như sau: thu mẫu máu; nuôi cấy tế bào bạch cầu; ngừng phân bào ở kỳ giữa; thu hoạch, trải tiêu bản; nhuộm thường quy hoặc băng G; Quan sát dưới kính hiển vi và ghi nhận kết quả.
Kết quả, đã xác định được tần suất biến loạn NST (TSBLNST) ở tế bào lympho máu ngoại vi của bệnh nhân UTTG biệt hoá sau điều trị 131I ứng với liều: 1,11; 3,70; 4,81 và 6,66 Gbq. TSBLNST sau điều trị tăng cao hơn so với trước điều trị, có sự chênh lệch giữa nhóm liều từ 1,11 và 3,70 GBq (p<0,05). Xác định được DH, RH ứng với các liều: 1,11; 3,70, 4,81 và 6,66GBq. DH và RH tương quan thuận với liều điều trị. Tần suất biến loạn cấu trúc NST ở máu ngoại vi nhóm thai phụ đã sử dụng 131I cao hơn nhóm đối chứng (p<0,01). Biến loạn bền không tập trung ở 1 NST nhất định. Không có sự chênh lệch biến loạn cấu trúc NST bền ở tế bào dịch ối nhóm thai phụ có tiền sử điều trị 131I liều cao so với nhóm chứng. Chưa phát hiện thấy tăng tần suất sẩy thai hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nhóm bệnh nhân nữ có tiền sử điều trị 131I liều cao. Liều hấp thụ tương đương tính theo tần suất biến loạn NST dic + r ở ngày thứ 3 sau điều trị ứng với liều từ 1,11 – 6,66 GBq là: 0,51 – 0,54 Gy.
Từ đó tác giả đưa ra kiến nghị, thời gian giữa hai lần điều trị 131I cho bệnh nhân K giáp biệt hoá tối thiểu 6 tháng trở lên; bệnh nhân nữ sau điều trị 131I đã đáp ứng hoàn toàn, nếu muốn có thai thì thời gian từ lần điều trị cuối đến khi có thai tối thiểu 12 tháng; những bệnh nhân có tiền sử điều trị phóng xạ trước khi có thai và trong giai đoạn thai kỳ nên có chỉ định làm xét nghiệm di truyền sàng lọc.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đây là công trình nghiên cứu khoa học cơ bản có giá trị, sẽ mở ra nhiều vấn đề cần thiết phải nghiên cứu tiếp.
Bích Hằng