Chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có từ nhiều năm nay, nhưng các cơ chế phát triển đi cùng không phù hợp và thiếu hiệu quả đã làm mất đi nhiều cơ hội phát triển kinh tế thông qua phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) tổ chức tuần rồi, thứ trưởng bộ Công thương Lê Dương Quang cho rằng nguyên nhân bởi ở các lĩnh vực công nghệ mới hầu hết đầu tư từ khối FDI; các doanh nghiệp trong nước thiếu vốn và thiếu đội ngũ chuyên gia, trong khi tính liên kết yếu và các cơ chế thiếu hấp dẫn. Các chính sách hỗ trợ/ưu đãi còn mang tính cục bộ theo các ngành mà chưa thành một cơ chế đủ mạnh làm cú hích phát triển.
Người mua kêu cần hàng
Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam không cao khiến các nhà sản xuất phải nhập nhiều linh kiện cho sản xuất phục vụ thị trường nội địa.
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, phụ trách thu mua từ Intel Vietnam, yêu cầu của Intel không chỉ về chất lượng sản phẩm, công nghệ, chi phí cạnh tranh mà doanh nghiệp phải có tính kiểm soát cao và luôn sẵn sàng. Sản phẩm cung ứng không chỉ đạt độ an toàn cao mà chất lượng phải đồng nhất, kỹ thuật phải đạt đúng trình độ công nghệ theo yêu cầu,
cam nang nhung quan an ngon nhà cung ứng còn phải có khả năng giao dịch điện tử với Intel…
Từ kinh nghiệm làm việc với 18 nhà cung ứng Việt Nam, bà Mai cho biết, thường sản phẩm mẫu rất tốt nhưng khi đi cung cấp số lượng lớn thì không đạt bởi chất lượng không đồng nhất. Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam thiếu hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn toàn cầu; đa số cũng chưa áp dụng quy trình quản lý sản xuất tinh gọn (LEAN) để giảm chi phí và cạnh tranh với các nhà cung cấp khác. “Intel không chỉ đơn thuần dựa vào giá cả mà tập trung vào tổng chi phí của dịch vụ với yêu cầu chi phí phải được cải thiện liên tục, theo đó đòi hỏi đối tác hoạt động ổn định và linh động với hệ thống quản lý chất lượng tốt”, bà Mai cho biết.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Đức, phụ trách mua hàng của Sonion, cho biết mỗi tháng Sonion xuất đi hàng triệu máy trợ thính công nghệ cao từ khu công nghệ cao TP.HCM. Tuy nhiên sáu năm nay Sonion không có nhà cung ứng trong nước vì đây là sản phẩm đặc thù với những linh kiện tinh vi và kích cỡ chỉ vài milimét, đòi hỏi trình độ cơ khí chính xác tinh vi, yêu cầu cao về đầu tư kỹ thuật công nghệ. Đây là yếu tố khó cho doanh nghiệp Việt Nam, chưa kể khả năng cung ứng lớn là không thể, bởi đa số doanh nghiệp chưa nhiều kinh nghiệm, năng lực tài chính còn yếu trong khi phải lo ngại đầu tư nếu chỉ cung ứng cho một đối tác thì khó có cơ hội mở rộng. “Nếu không có năng lực và tầm nhìn dài hạn mà chỉ nhìn vào doanh thu ban đầu, nhà cung cấp sẽ khó mạo hiểm vì lo ngại rủi ro, điều này lại càng khó trong tình hình kinh tế hiện nay”, bà Đức nói.
Người bán kêu khó gặp
Các doanh nghiệp cho biết khó khăn không chỉ về vốn mà nhiều yếu tố khác. Theo bà Lã Thị Lan, chủ tịch công ty cơ khí Tiến Lộc, dù nhận thấy chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo ra nhiều cơ hội nhưng doanh nghiệp cơ khí đa số quy mô nhỏ, chưa nhiều kinh nghiệm lại rất khó tiếp cận đối tác. Ngoài các chính sách tài chính, theo bà Lan cần có nhiều cuộc xúc tiến đầu tư để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ tiếp cận đối tác, tìm hiểu các yêu cầu của nhà đầu tư để đưa ra cơ hội cho mình. “Để đáp ứng được, theo tôi khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay chính là việc đầu tư đổi mới công nghệ và đổi mới nguồn nhân lực”, bà Lan nói.
Chia sẻ kinh nghiệm thành nhà cung ứng cho Intel Vietnam, ông Lê Đức Hoài, giám đốc công ty Huỳnh Đức, cho biết doanh nghiệp ông không chỉ đầu tư nâng cấp nhà xưởng mà còn tập trung vào việc nâng cao năng lực và nhận thức lao động. Trong quá trình hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp được hỗ trợ nâng cao độ an toàn cho sản phẩm, tăng nhận thức đạo đức kinh doanh và đảm bảo các yếu tố môi trường… Lúc đầu, công ty cung cấp những đơn hàng nhỏ lẻ sau đó tăng dần, vì thế đòi hỏi sự kiên nhẫn cao. Điều quan trọng là khi đủ năng lực cung cấp cho các đối tác công nghệ cao, uy tín của doanh nghiệp tăng lên và cơ hội cũng theo đó gia tăng.
Công ty cơ khí Duy Khanh có nhiều năm cung ứng các loại khuôn mẫu nhựa, khuôn dập, khuôn đúc áp lực, các chi tiết máy cho các công ty nước ngoài tại các khu chế xuất – khu công nghiệp… Theo bà Trương Vân Tiên, giám đốc công ty, trở thành một phần nhỏ trong chuỗi cung ứng là cơ hội phát triển trong tương lai, chỉ cần có cơ hội “khởi đầu nan” ở quy mô nhỏ, doanh nghiệp sẽ dần nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu lớn hơn. “Đầu tư vào ngành cơ khí đòi hỏi máy móc công nghệ hiện đại nhưng thời gian thu hồi vốn chậm. Doanh nghiệp dù được hỗ trợ nhưng sẽ không mạo hiểm nếu không định hướng được thị trường. Các chính sách ngành vì thế phải rõ ràng và định hướng tạo ra cơ hội, trên cơ sở đó doanh nghiệp tự hoạch định đầu tư”, bà Tiên nói.
Nguồn: SGTT