Với đặc điểm nước ta có nhiều gió bão, gây ra nhiều bất lợi cho các hệ thống lồng bè truyền thống (bằng tre, gỗ, khó tạo thành các kết cấu chắc chắn) trên sông nước khi gió bão, nên việc nuôi thủy sản trong hồ xi măng đã và đang là lựa chọn được nhiều hộ gia đình tìm đến.
Khi xây dựng hồ xi măng để nuôi thủy sản, có thể đầu tư bể chìm hoặc bể nổi. Nhờ các ưu điểm như chắc chắn, nhiệt độ nuôi ổn định, bể chìm được lựa chọn nhiều hơn. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhược điểm đó là không linh hoạt trong việc lựa chọn vị trí xây bể, không thể tái sử dụng lại vật liệu xây dựng bể, khi cần di chuyển hồ đến vị trí mới.
Hồ nuôi thủy sản có kết cấu khung lắp ghép từ các môđun dạng vỉ để tạo thành dạng tròn của tác giả Hồ Việt Khởi khắc phục được các nhược điểm đã nêu, có thể lắp đặt trên cạn mà không phải đào đất, dễ dàng thay nước.
Hồ có cấu tạo gồm: các thanh ngang bằng thép ống, uốn với độ cong phù hợp tùy theo đường kính của hồ; các thanh đứng bằng thép ống, có độ dài bằng chiều cao của hồ và liên kết hàn với các thanh ngang, sao cho khoảng cách giữa các thanh ngang từ 10-20 cm và khoảng cách giữa các thanh đứng từ 50-60 cm; một thanh thép hình chữ L có độ dài bằng chiều cao của hồ, tạo ở mỗi đầu của môđun dạng vỉ. Trong đó, một cạnh chữ L của thanh này được liên kết hàn với các thanh ngang, cạnh còn lại được tạo các lỗ khoan để bắt bu lông, liên kết các môđun dạng vỉ với nhau; một lớp màng bằng vật liệu chống thấm và chịu lực, phủ kín bên trong lòng kết cấu khung và liên kết với mép trên của kết cấu khung, tạo thành lòng hồ chứa nước; một lớp màng bên ngoài bằng vật liệu chống thấm phủ kín bên ngoài kết cấu khung có tác dụng bảo vệ và tạo ra lớp đệm khí cách nhiệt.
Nuôi thủy sản trong hồ là mô hình "nuôi trên cạn", hứa hẹn mang lại hiệu quả cao, giúp người dân có thêm lựa chọn để ứng dụng vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp, bền vững.
Anh Phương (CESTI)