Quy trình sản xuất chè hòa tan từ chè cuộng phế liệu
07/10/2010
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do tác giả Đỗ Văn Cường (Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp) thực hiện nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất chè hòa tan từ chè cuộng phế liệu, giúp tiết kiệm và thu được đáng kể một nguồn sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường do bụi chè và tanin chè gây ra.
Nghiên cứu tiến hành với chè cuộng phế liệu của Cty TNHH Chè Hoài Trung (tỉnh Phú Thọ). Chè cuộng là loại chè phế liệu chiếm tỷ lệ cao nhất (63,0%) trong tổng số chè phế liệu. Mặc dù là loại chè phế liệu nhưng trong chè cuộng hàm lượng chất hòa tan rất cao (28,8% so với chất khô). Xác định chất lượng chè cuộng bằng phương pháp cảm quan và hóa học cho thấy, chất lượng chè cuộng không thua kém nhiều so với chè OP (một loại sản phẩm chè đen có chất lượng tốt nhất trong các mặt hàng chè đen xuất khẩu của Việt Nam). Đối với chè phế liệu, chỉ cần trích ly 2 lần, thời gian trích ly khoảng 10 phút, phương pháp đun sôi cho hiệu suất trích ly cao nhất (tỷ lệ chè/nước – g/ml 1/8 là tối ưu). Cô đặc bằng phương pháp giảm áp ở nhiệt độ thấp không những cho thời gian cô đặc nhanh mà chất lượng rất tốt, đặc biệt ở nhiệt độ 50 độ C và 60 độ C. Để tạo ra sản phẩm chè bột chè hòa tan, tiến hành sấy phun dịch chè cô đặc có độ Bx từ 10-12 và nhiệt độ 170 độ C là tối ưu nhất. Độ ẩm của chè hòa tan sau quá trình sấy phun khoảng 1,5%. Hiệu suất trích ly của chè cuộng so với hàm lượng ban đầu của nó là 65,5%. Sản phẩm chè hòa tan sản xuất từ chè cuộng phế liệu có chất lượng tương đương chè hòa tan sản xuất từ chè thành phẩm.
LV (nguồn: TC NN&PTNT, 6/2010)