Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang và sẽ tác động rất lớn đến đời sống, kinh tế - xã hội, môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, các hệ sinh thái rừng ngập mặn (HST RNM) là một trong những đối tượng dễ bị tác động của BĐKH.
RNM Cần Giờ được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam vào năm 2000. HST RNM Cần Giờ với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, không chỉ là tài sản thiên nhiên có giá trị lớn của Việt Nam mà còn là tài sản của nhân loại trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới. RNM Cần Giờ còn được xem lá phổi xanh của TP.HCM, là bể chứa carbon, đóng vai trò quan trọng đối với việc cân bằng O2 và CO2 trong khí quyển. Toàn bộ lượng carbon dự trữ được tạo bởi kết quả của sự hấp thu khí CO2 từ khí quyển và chuyển về dưới dạng các hợp chất hữu cơ thực vật. Điều này cho thấy nếu khả năng dự trữ carbon của HST RNM Cần Giờ cao, có thể sẽ làm giảm lượng CO2 trong không khí do các khu công nghiệp và các hoạt động dân sinh ở khu vực xung quanh phát thải ra.
Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến khả năng dự trữ carbon của rừng ngập mặn Cần Giờ và đề xuất các giải pháp thích ứng” nhằm đánh giá khả năng tích lũy carbon của các HST tự nhiên trong RNM Cần Giờ, dự báo ảnh hưởng của BĐKH lên chúng và đề xuất các giải pháp thích ứng. Đây cũng là nội dung nhằm hiện thực hóa Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030 (theo Quyết định số 1159/QĐ-UBND ngày 17/3/2017 của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo đó, nhóm tác giả đã xác định và lập 12 ô nghiên cứu là các sinh cảnh RNM tự nhiên trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Đã thống kê được 13 loài cây gỗ ngập mặn chủ yếu trong các ô nghiên cứu (20 x 20m) với tổng số 3.114 cây. Đề tài cũng thu nhận được đầy đủ các bộ dữ liệu liên quan đến BĐKH như: sự trao đổi CO2, nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa của khu vực nghiên cứu trong thời gian 12 tháng (6/2019 – 5/2020) thông qua Trạm quan trắc Cần Giờ; bộ dữ liệu về sự quang hợp lá của 9 loài thực vật ngập mặn ở khu vực nghiên cứu; bộ dữ liệu về hô hấp đất tại 12 sinh cảnh nghiên cứu. Các dữ liệu này có thể sử dụng cho công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh BĐKH.
Về mối tương quan hàm lượng CO2 trao đổi (NEE) của HST RNM với nhiệt độ và độ ẩm không khí, RNM hấp thụ CO2 có xu thế tăng theo nhiệt độ qua phương trình: y = -0.237x + 6.551 theo thời gian 24h với tốc độ 0.237g.m2/24h và phương trình y = -0.371x + 10.454 trong thời gian 7h00 đến 17h30 với tốc độ 0.371g.m2/24h. RNM thải CO2 có xu thế tăng theo nhiệt độ với phương trình: y = 0.079x – 1.977 từ khoảng thời gian 18h00 đến 6h30, tốc độ 0.079g.m2/24h.
Vào mùa mưa, NEE (hàm lượng CO2 trao đổi) tương quan với nhiệt độ không khí theo phương trình: y = –0,003x + 0,089, khả năng hấp thụ CO2 tăng chậm với tốc độ khoảng -0.003g.m2/24h. Vào mùa khô khả năng hấp thụ CO2 nhanh hơn với tốc độ -0.498 g.m2/24h, NEE có xu thế tương quan với nhiệt độ theo phương trình: y = –0.498x + 13.641. Giữa NEE với độ ẩm không khí chỉ có tương quan trong thời điểm hấp thụ CO2 của thực vật RNM Cần Giờ vào ban ngày.
Về mối tương quan NEE với nhiệt độ và độ ẩm trong hô hấp đất của các sinh cảnh rừng tự nhiên, tại 12 ô nghiên cứu, có 6 ô chưa xác định được mối tương quan của chúng; có 3 ô có mối tương quan giữa thông lượng CO2 và nhiệt độ buồng đo; 1 ô có mối tương quan giữa thông lượng CO2 với độ ẩm; 2 ô cho thấy mối tương quan giữa thông lượng CO2 với nhiệt độ và độ ẩm buồng đo.
Dự báo ảnh hưởng của cường độ ánh sáng và nhiệt độ lên quá trình quang hợp thực vật tại một số sinh cảnh tự nhiên:
- Cường độ ánh sáng bão hòa của các đối tượng nghiên cứu ở mức cao cho thấy chúng đều thuộc nhóm thực vật đặc hữu của RNM và thuộc loại cây ưa nắng cao. Trong 9 loài thực vật được nghiên cứu quang hợp thì tốc độ quang hợp mạnh được phát hiện ở các loài Dà quánh (Ceriops zippeliana), Đước đôi (Rhizophora apiculata), Bần trắng (Sonneratia alba), Chà là (Phoenix paludosa), Mấm trắng (Avicennia alba).
- Hầu hết các loài đều gia tăng quang hợp ở nhiệt độ dưới 28°C, các nhóm loài Dà quánh, Đước đôi, Bần trắng, Chà là, Mấm trắng thể hiện khả năng chịu nhiệt cao khi nhiệt độ quang hợp tối ưu có xu hướng dần tiến tới 34°C.
Về dự báo ảnh hưởng của BĐKH lên khả năng tích trữ carbon của RNM: kết quả bước đầu cho thấy khả năng hấp thụ carbon của HST và các loài thực vật RNM Cần Giờ ít bị ảnh hưởng và có khả năng chống chịu, thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên cần quan trắc lâu dài để xác định chính xác hơn.
Từ kết quả nghiên cứu ghi nhận được, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo khả năng hấp thụ CO2 của RNM Cần Cần Giờ như sau:
- Tiếp tục duy trì tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và làm gia tăng diện tích các khu vực rừng tự nhiên so với hiện tại.
- Về hô hấp đất, cần tiếp tục nghiên cứu tại nhiều sinh cảnh đại diện khác, đánh giá tương quan giữa thành phần các loài thực vật, các loài sinh vật đất,… nhằm đánh giá đầy đủ các yếu tố tham gia vào quá trình hô hấp đất. Ngoài ra, xác định thêm giá trị CH4 trao đổi qua hô hấp đất để có hiểu biết hơn về các loại khí nhà kính tham gia vào quá trình hô hấp đất của HST RNM.
- Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cần tăng cường nhân rộng diện tích các loài Dà quánh, Đước đôi, Bần trắng, Chà là, Mấm trắng, trong đó có cả việc trồng mới vào các diện tích đất trống, trồng bổ sung vào các khu vực đang có rừng. Đồng thời, sử dụng các số liệu quan trắc của đề tài và dữ liệu từ Trạm quan trắc Cần Giờ để cập nhật, theo dõi, giám sát những hiện tượng thời tiết bất thường tác động xấu lên RNM và có giải pháp ứng phó kịp thời. Đề xuất Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ và Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (đơn vị chủ quản Trạm quan trắc) xây dựng chương trình hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong việc khai thác, sử dụng số liệu phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; tiến tới lượng hóa giá trị khả năng hấp thụ CO2 của RNM Cần Giờ làm cơ sở cho việc tham gia thị trường carbon thế giới và dịch vụ chi trả môi trường rừng ở Việt Nam.
- Bên cạnh đó, cần khảo sát nhiều sinh cảnh và loài có tính đại diện hơn, bao quát toàn khu RNM. Nghiên cứu, khảo sát đánh giá “sức khỏe cây” và ở các cấp độ tuổi cây khác nhau; nghiên cứu sự phản ứng của thực vật đối với sự gia tăng nồng độ CO2 trong không khí để xác định các loài cây, độ tuổi cây có khả năng quang hợp cao nhất nhằm gia tăng sự hiện diện của các loài cây này cũng như duy trì cấp độ tuổi của chúng, hướng tới việc trẻ hóa rừng, nâng cao giá trị, sức chống chịu của rừng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)