SpStinet - vwpChiTiet

 

Ước lượng các tham số ổn định và điều khiển của máy bay từ dữ liệu bay thử nghiệm

Đề tài do các tác giả Ngô Đình Trí, Lê Thị Minh Nghĩa (Viện KH&CN tính toán TP.HCM) thực hiện nhằm ước lượng (nhận dạng) các tham số ổn định và điều khiển của máy bay từ dữ liệu bay thử nghiệm bằng 2 phương pháp Equation Error (EE), Maximum Likelihood (ML).

Chương trình ước lượng các tham số máy bay được viết bằng MATLAB và được kiểm nghiệm trên máy bay không người lái Aerosonde phi tuyến 6 bậc tự do. Nhóm tác giả trình bày những ưu điểm của từng phương pháp được nhận dạng với các tín hiệu điều khiển bay thử nghiệm cho dưới dạng xung vuông 3-2-1-1 kiểu truyền thống và dạng tối ưu dùng phương pháp quy hoạch động Bellman.

Theo đó, EE là phương pháp đơn giản, không đòi hỏi dùng các phép lặp, dễ thực hiện cho từng phương trình động lực học máy bay riêng rẽ mà không cần phải giải cùng lúc hệ các phương trình của máy bay. Nhược điểm của phương pháp này là chỉ thích hợp cho mô hình tuyến tính; giả thiết các phần tử hồi quy (trạng thái, tín hiệu điều khiển) đo được mà không có nhiễu. Tuy nhiên trong thực tế các biến trạng thái đo được thường bị nhiễu (ví dụ góc tấn của máy bay đo được có nhiễu rất lớn) dẫn đến việc tham số ước lượng bị phân cực. Song nếu sử dụng dụng cụ đo tốt và tiến hành đo một cách cẩn thận thì vấn đề trên trở nên không đáng kể.

Phương pháp ML thích hợp để nhận dạng mô hình mà tín hiệu ra có quan hệ phi tuyến với các tham số, cũng như mô hình phi tuyến. Đây chính là ưu điểm của phương pháp ML so với phương pháp EE. Phương pháp ML được sử dụng rộng rãi trong việc ước lượng các tham số máy bay. Với tín hiệu điều khiển tối ưu, độ chính xác của tham số ước lượng được tăng thêm 17% so với việc dùng tín hiệu xung vuông 3-2-1-1 (nhiễu đo cấp độ 2%) và 6% (nhiễu đo cấp độ 5%, 10%).
 
LV (nguồn: TC Tin học & Điều khiển học, tập 24, số 3-2008)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả