Trong các thập kỷ qua, khá nhiều phương pháp phục hồi phát âm đã được nghiên cứu và ứng dụng; có thể sắp xếp thành 3 nhóm chủ yếu phục hồi phát âm sau cắt thanh quản toàn phần, là: sử dụng thanh quản điện tử, sử dụng phương pháp phát âm bằng thực quản và phương pháp phát âm bằng thông khí - thực quản có kèm theo sử dụng ống giúp phát âm. Trong đó, thông khí - thực quản được dùng nhiều hơn do kỹ thuật tạo đường dò và đặt van đơn giản, tỷ lệ thành công cao và chất lượng giọng nói tốt vượt trội hơn các phương pháp khác.
Chiến lược điều trị ung thư trong những năm gần đây không chỉ là điều trị nhằm kéo dài thời gian sống, mà cần phục hồi chức năng, giúp người bệnh sớm tái nhập cuộc sống bình thường trong xã hội, đặc biệt là các bệnh nhân ung thư thanh quản. Trên thế giới, đã có nhiều nghiên cứu phục hồi phát âm cho bệnh nhân, trong đó, ống giúp phát âm tiếp tục được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi.
Trong đề tài này, nghiên cứu về ống giúp phát âm, hỗ trợ phục hồi chức năng nói cho 40 bệnh nhân sau phẫu thuật cắt thanh quản toàn phần (từ tháng 10/2017-4/2019), cho thấy: có 15 bệnh nhân đặt ống giúp phát âm thì 1 và 25 bệnh nhân đặt ống thì 2; nam chiếm 95%, độ tuổi trung bình là 62,36 tuổi. Các bệnh nhân đặt ống thì 1 đa số chưa có xạ trị trước đó (14/15). Đối với bệnh nhân đặt ống thì 2, tỷ lệ bệnh nhân xạ trị và không xạ trị là 14/11.
Về đánh giá hoạt động của thanh môn mới sau đặt ống giúp phát âm, X-quang cổ nghiêng hầu hết ghi nhận có hình ảnh “thanh môn mới” rõ (75%). Về đánh giá chất lượng âm thanh sau khi đặt ống giúp phát âm, vào 2 thời điểm (lần 1 là sau khi xuất viện và lần 2 là sau khi đặt ống 1 tháng), kết quả:
- Đánh giá sự cải thiện điểm VHI: điểm trung bình VHI lần 1 là 44,43 và lần 2 là 24,83.
- Đánh giá sự cải thiện giọng nói trên lâm sàng qua 2 thời điểm: thời gian phát âm tối đa từ 7 giây trở lên từ 47,5% đến 70%; số lượng từ phát ra trong 1 phút trung bình từ 95,1-133,5 từ; khả năng hiểu lời nói của bệnh nhân 10/10 từ 27,5%-60%.
- Đánh giá dựa theo kết quả nghiên cứu chất thanh: độ hài thanh, chỉ số Jitter và Shimmer qua 2 lần phân tích âm thấy có sự tiến bộ rõ.
Biến chứng, tai biến khi sử dụng ống giúp phát âm thường gặp nhất là tắc đàm (4/40), tụt van (4/40). Thời gian sử dụng ống trung bình là 6 tháng, ngắn nhất 4 tháng và lâu nhất là 18 tháng.
Ống giúp phát âm đã được nhóm nghiên cứu sửa đổi và hoàn thiện, sử dụng gắn vào thông nối giữa khí quản – thực quản ở 40 người bệnh phải cắt thanh quản toàn phần do ung thư. Kết quả, người bệnh có thể giao tiếp trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Nhóm tác giả mong muốn được chuyển giao kỹ thuật và các kết quả nghiên cứu để triển khai sản xuất ra thị trường ống giúp phát âm của Việt Nam chất lượng, an toàn và có giá thành phù hợp. Đồng thời sẵn sàng chuyển giao việc sử dụng ống giúp phát âm cho các bệnh viện tuyến tỉnh để bệnh nhân có thể được đặt ống phát âm thì 2, tiếp tục áp dụng, hoàn thiện bài tập phát âm tiếng Việt cho người sử dụng giọng khí - thực quản.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)