Ảnh hưởng của biochar (than sinh học) đến hiệu quả sử dụng phân lân và sự sinh trưởng, năng suất cây đậu bắp
21/07/2018
KH&CN trong nước
Nhóm tác giả Tất Anh Thư, Võ Thị Thu Trân, Trần Huỳnh Khanh (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ) thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của biochar (than sinh học) đến hiệu quả sử dụng phân lân, khả năng hấp thu lân trong cây, sự sinh trưởng và năng suất cây đậu bắp, một loại rau ăn trái bổ dưỡng, có giá trị kinh tế cao.
Biochar được xem như một loại phân hữu cơ giàu carbon, được tạo thành từ quá trình nhiệt phân các vật liệu, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp (vỏ trấu, vỏ cacao, rơm rạ,…). Bổ sung biochar cho đất có thể giúp thay đổi pH, độ dẫn điện, gia tăng hàm lượng carbon, gia tăng khả năng giữ nước, độ xốp của đất. So với các loại phân bón khác, biochar có giá thành rẻ hơn và có nhiều ảnh hưởng tích cực hơn phân bón vô cơ. Vì vậy, thay thế một phần phân bón vô cơ, đặc biệt là phân lân bằng cách bón biochar không những tốt cho môi trường và sức khỏe con người, mà còn giúp cải tạo chất lượng đất và giảm chi phí phân bón vô cơ.
Thí nghiệm nghiên cứu tiến hành trên đất vườn chuyên canh tác rau màu (cây đậu bắp) tại xã Tân Bình, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Kết quả cho thấy, biochar có thể thay thế một phần lượng phân lân (P2O5). Bón biochar giúp gia tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng (đạm, lân, kali) của cây đậu bắp, dẫn đến sự tích lũy nitrat trong trái cao nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng an toàn cho phép. Chỉ sử dụng biochar cũng giúp tăng suất đậu bắp 4,88% (đạt 9,03 tấn/ha). Nếu bón biochar 15 tấn/ha kết hợp với 20 kg lân/ha hoặc 40 kg lân/ha trên nền 70 kg đạm + 40 kg kali thì cho năng suất cao nhất (10,12 tấn/ha), tăng 17,54%.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và PTNT, tháng 12/2017.