SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu hiện trạng công nghệ xử lý nước thải bệnh viện tuyến huyện tại Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất mô hình xử lý thích hợp

Trong nghiên cứu này, tác giả Phạm Thị Mai Thảo (Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội) thực hiện nghiên cứu đặc điểm hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện tuyến huyện khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (gồm 13 tỉnh thành: Thành phố Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long).

Kết quả cho thấy, hiện tại vùng ĐBSCL có 13 tỉnh, thành phố với 104 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có 103 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, với các quy mô giường bệnh khác nhau dao động từ 50 đến 550 giường theo đặc thù kinh tế và dân số của từng địa phương. Trong đó quy mô 100 giường chiếm tỷ lệ cao nhất (24 %), tiếp theo là 250 giường (chiếm 13%), 80 giường (chiếm 12%) và 150 giường (10%).

Trên toàn khu vực nghiên cứu, tỷ lệ bệnh viện huyện có hệ thống xử lý nước thải y tế chiếm 58%, còn lại 42% các bệnh viện huyện chưa có hệ thống xử lý nước thải. Điều này cho thấy việc quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải vùng ĐBSCL còn rất thấp. Trong đó chỉ có hai tỉnh là Vĩnh Long và Hậu Giang có 100% bệnh viện huyện có hệ thống xử lý nước thải y tế. Hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng có tới 83% và 78% bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải, kế đến là Cà Mau chiếm 62% và Đồng Tháp chiếm 56%.

Về hệ thống xử lý nước thải y tế bệnh viện, công nghệ được áp dụng phổ biến nhất là sinh học bùn hoạt tính (chiếm tỷ lệ 72%), và được áp dụng cho tất cả các quy mô giường cũng như lưu lượng nước thải dao động từ nhỏ hơn 50 – 350m3/ngày. Các công nghệ khác bao gồm lọc sinh học, lọc sinh học hạt nổi, hợp khối đúc sẵn, anoxic kết hợp với bùn hoạt tính, UASB kết hợp với bùn hoạt tính và biofast cũng được sử dụng nhưng tỷ lệ rất thấp (khoảng từ 2-7%).

Trong 60 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải y tế, có 6 bệnh viện (10%) có hệ thống xử lý nước thải được thiết kế nhỏ hơn lượng nước thải thực tế, 12 bệnh viện (chiếm 20%) có công suất hệ thống xử lý bằng đúng với lượng nước thải phát sinh, 70% các bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải còn lại có công suất thiết kế với hệ số an toàn cao hơn 20% so với lượng nước thải đầu vào.

Tác giả đề xuất các công nghệ cho hệ thống xử lý nước thải các bệnh viện tuyến huyện trong tương lai gồm: công nghệ bùn hoạt tính truyền thống; công nghệ sử dụng vật liệu lọc; công nghệ bùn hoạt tính kết hợp MBR. Cả ba công nghệ này phù hợp với các quy mô giường bệnh khác nhau. Tùy thuộc vào kinh phí đầu tư của mỗi bệnh viện và xu hướng mở rộng trong tương lai mà mỗi bệnh viện có thể chọn một mô hình thích hợp nhất. Tác giả cũng đề nghị đầu tư các quy trình, công nghệ xử lý mới nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường cho các bệnh viện chưa có hệ thống xử lý; nâng cấp cải tạo các hệ thống hiện hữu đang bị quá tải; tăng cường tuyển dụng nhân lực có trình độ chuyên môn để vận hành hệ thống xử lý nước thải.
LV (nguồn: HN KHCN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM lần 2-2014)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả