Ngày 28/4/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Sở Xây dựng tổ chức sự kiện Kết nối sáng tạo chủ đề “Vật liệu và công nghệ mới phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở vừa túi tiền cho người có thu nhập thấp tại TP.HCM”.
Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), ông Huỳnh Thanh Khiết (Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM), các chuyên gia từ trường – Viện và đại diện các doanh nghiệp KH&CN.
Theo ông Phạm Đăng Hồ (Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng TP.HCM), kết quả điều tra về khả năng chi trả để mua nhà của nhóm người thu nhập thấp tại TP.HCM năm 2019 cho thấy hiện nay có 44% số hộ thu nhập thấp có khả năng chi trả dưới 500 triệu đồng; 45% số hộ thu nhập thấp có khả năng chi trả từ 500 triệu - 1 tỷ đồng cho việc mua nhà, như vậy 89% (phần lớn) nhóm đối tượng thuộc diện thu nhập thấp có khả năng chi trả dưới 1 tỷ đồng cho 1 căn nhà/căn hộ để ở. Mặc dù Thành phố đã ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhưng thị trường mới chỉ đáp ứng một lượng nhà ở không đáng kể (dưới 1 tỷ đồng) bởi một số nhà đầu tư nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, dẫn đến quy mô đầu tư và mức độ tiện nghi chưa đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân.
Ông Phạm Đăng Hồ báo cáo tham luận tại sự kiện
Theo phân tích thu nhập và khả năng chi trả trong Đề án xây dựng Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030, hiện nay chỉ 20% người lao động đủ khả năng mua nhà ở thương mại phân khúc trung cấp trở lên; 40% người lao động chỉ đủ khả năng mua nhà ở thương mại giá thấp, 40% còn lại không đủ khả năng tiếp cận nhà ở theo dự án. Vì vậy, nhu cầu nhà ở của lực lượng lao động nằm chủ yếu ở phân khúc thương mại giá thấp, trong khi đó nguồn cung nhà ở hiện nay chủ yếu ở phân khúc trung cấp. Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu nhà ở sẽ tiếp tục tăng, cơ cấu nhu cầu nhà ở sẽ tập trung vào phân khúc nhà ở hợp túi tiền (nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội) nhằm phục vụ những người lao động di cư về thành phố, có thu nhập thấp hoặc không ổn định và xu hướng nằm trong ngành thương mại – dịch vụ.
“Nhà ở cho người thu nhập thấp không có nghĩa là nhà có chất lượng thấp, mà phải đảm bảo đầy đủ tiện ích cho người dân sử dụng. Mặt khác, công nghệ xây dựng cần đáp ứng 5 yếu tố là nhanh, rẻ, bền, dễ tiếp cận vả thông minh.”, ông Huỳnh Thanh Khiết (Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) nhấn mạnh về yêu cầu đặt hàng.
Ông Huỳnh Thanh Khiết nêu đặt hàng của Sở Xây dựng TP.HCM
Do vậy, Sở Xây dựng TP.HCM đang tìm kiếm giải pháp về: (1) các loại vật liệu và công nghệ xây dựng nhà ở giá thấp, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; (2) công nghệ xây dựng mới, hiện đại, rút ngắn thời gian và hạ giá thành sản phẩm; (3) công nghệ xây dựng hiện đại dễ tiếp cận và triển khai thực hiện. Vật liệu xây dựng cần chú trọng kết hợp hài hòa các nhân tố: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và phát triển bền vững, trên cơ sở ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu; quy mô hợp lý; sản phẩm đạt chất lượng kỹ, mỹ thuật, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Có nhiều khía cạnh có thể nghiên cứu thêm để kéo giảm chi phí nhà ở hợp túi tiền cho người có thu nhập thấp. Chẳng hạn như mô hình quản lý căn hộ theo thời gian sử dụng, hoặc nghiên cứu về văn hóa tiêu dùng nhà ở của người dân”, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) gợi mở cho các chuyên gia và doanh nghiệp nghiên cứu thêm mô hình quản lý – kinh doanh cho phân khúc nhà ở hợp túi tiền, tiếp cận theo hướng mở rộng để tìm giải pháp tốt hơn, ngoài các vấn đề về vật liệu và công nghệ xây dựng mới đã nêu.
Ông Nguyễn Việt Dũng (trái) gợi mở hướng nghiên cứu mở rộng cho phân khúc nhà ở hợp túi tiền
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, việc quản lý chung cư, nếu không có mô hình quản lý hợp lý, rất dễ hình thành những khu ổ chuột trên cao sau hàng chục năm sử dụng (xuống cấp). Việc kinh doanh căn hộ theo thời gian sử dụng, có thể sẽ làm giảm giá bán, và dễ thu hồi để sửa chữa, hoặc xây mới. Đó là một trong những giải pháp cần được nghiên cứu cho phù hợp với thực tiễn ở TP.HCM.
Tại sự kiện, Sở Xây dựng TP.HCM cũng đặt hàng giải pháp tích hợp GIS vào trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, đáp ứng định hướng phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2025 (Quyết định số 5086/QĐ-UBND ngày 14/11/2018).
Hoàng Kim (CESTI)