Ngày 4/6, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) vừa tổ chức phiên "Kết nối ý tưởng" đầu tiên tại Sàn Giao dịch công nghệ (số 79 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) với chủ đề về hệ thống sấy dẻo nông sản.
Tham gia sự kiện, về phía các nhà cung ứng có năm đơn vị: Công ty Cổ phần Máy nông nghiệp Santavi, Công ty Kỹ nghệ Xanh Việt Nam, Công ty Giải pháp công nghệ thông minh ITS; Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng Bền vững Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (Đại học Nông Lâm TP.HCM). Phía cầu công nghệ là hai doanh nghiệp tại Lâm Đồng: Công ty Cổ phần Viên Sơn và Công ty TNHH Berryland Việt Nam.
Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, phát biểu tại sự kiện.
Bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, cho biết, "Kết nối ý tưởng" là sự kiện kết nối doanh nghiệp với nhiều nhà cung ứng cùng lúc để bàn bạc, trao đổi giải pháp công nghệ nhằm đáp ứng, cải thiện khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Khác với những sự kiện kết nối cung - cầu, chuyển giao công nghệ - thiết bị theo hình thức “một – một” trước đây, nay doanh nghiệp có thể lựa chọn một hoặc đề nghị nhiều nhà cung ứng cùng liên kết để tạo ra giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Mô hình mới là minh chứng mạnh mẽ cho đổi mới trong hoạt động kết nối chuyển giao công nghệ của CESTI, để luôn là cầu nối đắc lực, rộng mở và luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để nâng cao hàm lượng công nghệ trong quy trình sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh, mở rộng sản xuất và xuất khẩu.
Được biết, các doanh nghiệp tham gia cầu công nghệ đều đang có nhu cầu sản xuất nông sản sấy dẻo, xuất sang thị trường châu Âu và Bắc Mỹ với sản lượng lên đến hàng trăm tấn mỗi năm. Đây mới chỉ là con số ở giai đoạn thăm dò thị trường. Điều kiện để xâm nhập thị trường quốc tế là sản phẩm phải ngon, giữ được mùi vị, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong quá trình trao đổi, thảo luận, các băn khoăn, thắc mắc của doanh nghiệp đều được các nhà cung ứng công nghệ giải thích cặn kẽ. Ví dụ, với câu hỏi về khả năng linh hoạt trong cài đặt quy trình cho thiết bị sấy, ThS. Phan Văn Hiệp, Giám đốc Công ty Giải pháp công nghệ thông minh ITS, cho biết, các dòng máy sấy trục ngang và trục đứng ứng dụng năng lượng mặt trời của ITS hiện dùng lập trình vi điều khiển, không chỉ giúp người vận hành dễ dàng thay đổi các thông số sấy ngay trên màn hình cảm ứng theo kinh nghiệm sản xuất của mình, mà còn cho phép điều khiển từ xa bằng smartphone, nhờ ứng dụng IoT (Internet kết nối vạn vật). Nhờ vậy, sản phẩm của ITS rất linh động, tạo nên những quy trình sấy khác nhau tùy theo yêu cầu.
ThS. Phan Văn Hiệp trao đổi với doanh nghiệp cầu công nghệ.
ThS. Lê Văn Bạn, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (Đại học Nông Lâm TP.HCM), khi tư vấn cho doanh nghiệp về vấn đề thời gian bảo quản sản phẩm sau sấy, đã chỉ rõ những điểm khác biệt trong công nghệ chế biến và thiết bị sấy. Theo đó, ngoài việc chọn lựa thiết bị sấy phù hợp, để đảm bảo sản phẩm đạt các tiêu chuẩn cần thiết, công nghệ chế biến, bảo quản cần phải được đầu tư. Nói cách khác, để đảm bảo có thể bảo quản sản phẩm sau sấy được lâu, cần có sự liên kết của nhiều lĩnh vực liên quan.
Sau quá trình trao đổi, bàn bạc thẳng thắn, cởi mở, đã diễn ra ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Cổ phần Viên Sơn, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ - Đại học Nông Lâm TP.HCM (nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất nông sản sấy dẻo) và Công ty Cổ phần Máy nông nghiệp Santavi (sản xuất và lắp đặt máy sấy phù hợp trên cơ sở nghiên cứu của Đại học Nông Lâm).
Ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Công ty Cổ phần Viên Sơn, Công ty Cổ phần Máy nông nghiệp Santavi và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ (Đại học Nông Lâm TP.HCM)
Berryland Việt Nam, doanh nghiệp thứ hai từ Lâm Đồng, cũng có được các ghi nhớ hợp tác với Công ty Kỹ nghệ Xanh Việt Nam và Công ty Cổ phần Máy nông nghiệp Satavi để triển khai các giải pháp về máy sấy thăng hoa và buồng sấy bơm nhiệt.
Phát biểu cuối buổi kết nối, bà Bùi Thanh Bằng khẳng định, "Kết nối ý tưởng" mới chỉ là bước khởi đầu của quá trình làm việc lâu dài. CESTI sẽ tiếp tục theo dõi việc triển khai hoạt động hợp tác giữa các bên để hỗ trợ đến ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Hoàng Kim (CESTI)