TP. HCM nghiên cứu chọn lựa công nghệ tiết kiệm năng lượng cho chiếu sáng công cộng
11/08/2015
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 11/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội thảo “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ LED trong chiếu sáng đô thị” nhằm tham mưu cho các cơ quan nhà nước công nghệ phù hợp cho hệ thống chiếu sáng công cộng.
Được biết, điện dùng cho chiếu sáng hiện nay chiếm 35% tổng điện năng tiêu thụ của cả nước. Trong đó, chiếu sáng công cộng là lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng do thiết kế, lắp đặt và sử dụng chưa hiệu quả. Các thành phố lớn của Việt Nam chủ yếu dùng đèn thủy ngân cao áp hoặc sodium cao áp tiêu thụ nhiều điện năng, hiệu suất chiếu sáng công cộng chưa cao và tuổi thọ thấp.
Tại TP.HCM, hệ thống chiếu sáng tiêu thụ hơn 162 triệu kWh điện/năm, trong đó chiếu sáng công cộng chiếm 90 triệu kWh điện/năm tương đương ngân sách thành phố chi trả hơn 130 tỷ đồng. Trong số 102.500 bóng đèn chiếu sáng công cộng đang sử dụng có 2.4% là đèn cao áp HPS 400W, 39% đèn HPS 250W và 58.5% là đèn HPS từ 100-150W. Theo tính toán, nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn hiện nay bằng đèn LED công suất từ 65 - 200W, thành phố sẽ tiết kiệm được hơn 55 triệu kWh điện/năm (tương đương 88 tỷ đồng) và giảm 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường.
Hội thảo trưng bày giới thiệu một số sản phẩm công nghệ chiếu sáng. Ảnh: LV. Hội thảo tập trung phân tích các công nghệ LED đang được sử dụng tại các nước tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu,… và tìm kiếm giải pháp tài chính đầu tư cho những dự án phù hợp. Theo ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM), việc cải thiện, nâng cao hiệu quả chiếu sáng đô thị không chỉ giúp thành phố tiết kiệm chi phí mà còn tạo môi trường an toàn cho người tham gia giao thông và tạo mỹ quan đô thị. Ông cho biết, mô hình ESCO là một trong những giải pháp có thể thực hiện cho dự án chiếu sáng công cộng địa phương hiện nay. ESCO là hình thức công ty dịch vụ năng lượng, tham gia vào những dự án liên quan đến năng lượng thông qua các hình thức đầu tư như hợp đồng bảo đảm tiết kiệm, hợp đồng chia sẻ tiết kiệm, hợp đồng mua bán điện. Để bắt đầu một dự án ESCO, công ty sẽ khảo sát đánh giá thực trạng tiêu thụ năng lượng (tức kiểm toán năng lượng) và đưa ra các tư vấn, giải pháp kỹ thuật. Khi tham gia dự án ESCO, khách hàng không phải đầu tư chi phí ban đầu; được đổi mới thiết bị và công nghệ; được chia sẻ chi phí tiết kiệm năng lượng,…
Các ý kiến khác tại hội thảo cũng cho rằng, những rào cản của việc ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng đô thị hiện nay liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định; kỹ thuật – chất lượng; giá thành LED; nguồn vốn đầu tư; chính sách, quy hoạch, định hướng,… Vì vậy, TP.HCM và các địa phương cần tiếp tục tham vấn để đưa ra những quy định, dự án phù hợp, tiến tới cải tạo hệ thống chiếu sáng theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
Lam Vân