Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cũng như tìm hiểu về các kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, bảo tồn nguồn gene quý và phát triển cây sâm Ngọc Linh Việt Nam, các doanh nghiệp và lãnh đạo quận Hamyang, tỉnh Gyeongnam – Hàn Quốc đã ghé thăm huyện Nam Trà My, Quảng Nam và có buổi gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam tại TP.HCM vào ngày 20/4/2016.
Sản phẩm nông nghiệp trưng bày tại chương trình. Ảnh: Hoàng Mi
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với VPĐD của tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) tại TP. Hồ Chí Minh, các đơn vị chức năng của tỉnh, các thành phố trực thuộc tỉnh Gyeongnam và một số cơ quan có liên quan đã tổ chức chương trình gặp gỡ doanh nghiệp và giới thiệu sản phẩm và công nghệ này. Đợt viếng thăm lần này, 10 doanh nghiệp và lãnh đạo quận Hamyang, tỉnh Gyeongnam – Hàn Quốc đã mang theo nhiều sản phẩm của địa phương, đặc biệt là các hàng nông sản tươi, nước uống chiết xuất từ hoa quả, hoa quả chế biến như: sâm núi, đồ uống lô hội, chiết xuất từ mướp đắng, lê, dâu tây, rượu phúc bồn tử… giới thiệu với các đối tác nhập khẩu tiềm năng của Việt Nam. Điểm đặc biệt là các sản phẩm này đều có chứng nhận chất lượng sản phẩm như HACCP, Chứng nhận doanh nghiệp hội tụ nông thôn, chứng nhận FDA… Đây là dịp doanh nghiệp và ngươi tiêu dùng Việt Nam có thể thử và kiểm tra trực tiếp chất lượng các sản phẩm của phía bạn. Đại diện của một doanh nghiệp tại buổi giới thiệu cho biết: “Đây là một trong những phương pháp giới thiệu sản phẩm rất thiết thực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể học tập”.
Ông Im Chang Ho trả lời phỏng vấn tại chương trình. Ảnh: Hoàng Mi.
Điều đặc biệt của đợt giao lưu lần này là các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ giới thiệu sản phẩm và công nghệ của mình mà theo ông Im Chang Ho, quận trưởng quận Hamyang, tỉnh Gyeongnam – Hàn Quốc cho biết, ông đã ghé thăm Quảng Nam nhằm tìm hiểu về giống sâm Ngọc Linh quý hiếm của huyện Nam Trà My. Sâm Ngọc Linh là giống cây quý hiếm sống hoang dã ở cao nguyên cách mực nước biển 1.500m, được phát hiện lần đầu vào năm 1980 và các doanh nghiệp cũng như chính phủ Việt Nam hiện đang rất quan tâm bảo vệ giống để di truyền, tiến hành nghiên cứu để đảm bảo ổn định sản lượng của loại cây này. Với những nét tương đồng về điều kiện phát triển cây sâm giữa hai địa phương, ông mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, bảo tồn nguồn gene quý và phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu sâm quốc gia, từng bước khẳng định thương hiệu sâm Việt Nam trên thị trường thế giới…Ngoài ra, ông Im Chang Ho còn mời các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Lễ hội sâm núi Hamyang năm 2020 nhằm hiểu hơn về các công đoạn, quy trình phát triển cây sâm núi Hamyang trở thành thương hiệu quốc tế của người dân địa phương; từ đó, sẽ định hình được chiến lược phát triển riêng cho cây sâm Ngọc Linh của Quảng Nam. Chuyến thăm này còn là dịp để các doanh nghiệp Việt có thể quảng bá các sản phẩm của địa phương, nhất là các sản phẩm thảo dược đến với toàn thế giới. Hội chợ thương mại quốc tế sâm núi vào năm 2020 là cơ hội để các nước cùng trao đổi về các kỹ thuật và môi trường đa dạng về nhân sâm Triều Tiên, nhân sâm Mỹ và cả sâm Ngọc Linh.
Được biết, quận Hamyang rất nổi tiếng về nuôi trồng, phát triển sâm núi, và nhiều loại dược liệu khác. Hàng năm, quận Hamyang đều tổ chức Lễ hội sâm núi Hamyang vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, tại công viên Sanglim. Tại lễ hội có nhiều hoạt động nhằm quảng bá các sản phẩm của địa phương, nhất là các sản phẩm thảo dược núi đến với toàn thế giới.
Hoàng Mi