Tác động của Hiệp định TPP đến nền kinh tế Việt Nam và khu vực
29/12/2015
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Với những cơ hội và thách thức đặt ra khi việc thực thi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đến gần, chiều 28-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Trung tâm WTO thành phố phối hợp Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Tác động của Hiệp định TPP đến nền kinh tế Việt Nam và khu vực” với sự tham dự của các đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Viện/Trường Đại học trong nước và nước ngoài cùng một số doanh nghiệp tiêu biểu.
Quang cảnh hội thảo “Tác động của Hiệp định TPP đến nền kinh tế Việt Nam và khu vực”. Ảnh: Hoàng Mi
Theo báo cáo tại hội thảo, sau 5 năm đàm phán, Việt Nam và 11 nước tham gia đã kết thúc thành công quá trình đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực sau khi được phê chuẩn ở các quốc gia tham gia và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do rộng lớn nhất thế giới về địa lý, bao trùm sâu rộng nhất về nội dung, sẽ trở thành tác nhân mới trong quan hệ quốc tế cả về chính trị lẫn kinh tế, thương mại và đầu tư không chỉ có ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, việc tham gia vào TPP được xem là bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, là cơ hội lớn để phát triển kinh tế và là động lực thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. TPP giúp cắt giảm thuế quan giữa các quốc gia, ví dụ như tại Việt Nam, 98% kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản và 75% kim ngạch xuất khẩu công nghiệp (không bao gồm dệt may) sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Điều này tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam sang các nước trong hiệp định. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng đầu tư vào trong nước, gia tăng thương mại và đầu tư, tạo nhiều việc làm…
Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ gặp một số cạnh tranh về mặt kinh tế như gia tăng cạnh tranh các mặt hàng như thịt lợn, gà, sữa, ngô. Việc cạnh tranh này có thể khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Từ đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp như tạo hành lang pháp lý phù hợp cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu hàng hóa; chuyển dần hoạt động gia công sang sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành trong tương lai, đa dạng hóa quan hệ kinh tế, tham gia vào thị trường mua sắm công của các nước TPP… Theo ước tính, chỉ riêng Hoa Kỳ, nhu cầu của thị trường mua sắm công cho thiết bị văn phòng là 10 – 12 tỷ USD/năm.
Hoàng Mi