SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát triển hạ tầng thông tin: Cần chính sách đột phá

Hạ tầng thông tin là hạ tầng của hạ tầng, cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu đồng bộ, nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại… vào năm 2020. Vì thế, tại hội nghị trực tuyến do Bộ TT-TT vừa tổ chức, hàng loạt giải pháp đã được lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề xuất thực hiện. Trong đó, các đại biểu không quên nhắc lại những tồn tại yếu kém về mặt quản lý kéo dài hàng chục năm qua.
 


Xây dựng hạ tầng CNTT là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển CNTT. Ảnh: Tấn Ba

Nhiều nghịch lý

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) năm 2012 đạt mức tăng trưởng trên 20% (tăng 6,9% so với năm 2011), đóng góp vào GDP cả nước trên 20 tỷ USD. Đó là kết quả đáng khích lệ nhưng chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này. Nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ nhận thức.

Theo Phó thủ tướng, trong điều kiện hội nhập - phát triển, muốn tái cấu trúc nền kinh tế hiệu quả bắt buộc phải ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, trong số hơn 700.000 doanh nghiệp, không nhiều đơn vị áp dụng các công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất phục vụ sản xuất kinh doanh. Hệ quả tất yếu là chúng ta đang làm thuê, mua dịch vụ của nước ngoài ngay trên chính đất nước mình.

Nói về nhận thức trong các cấp lãnh đạo địa phương, Phó Thủ tướng nhận định thêm: “Hàng ngày, mọi người nhìn thấy ti vi, máy tính… nhưng bao nhiêu người đánh giá được vai trò của nó, giá trị gia tăng mà nó mang lại. Chủ trương của Nhà nước là đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử. Nhưng qua tìm hiểu, có nhiều trường hợp vẫn tham gia với tư tưởng phong trào. CNTT chỉ mới dừng lại ở mức là công cụ phục vụ quản lý hành chính tại các địa phương”.

Tại hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cũng thẳng thắn bày tỏ: “Xem CNTT là động lực để phát triển đất nước, nhưng đến nay hạ tầng thông tin vẫn không có trong mục lục các ngành được ngân sách chi hàng năm. Hiện ngân sách đang dành 2% chi cho lĩnh vực khoa học công nghệ, nhưng vẫn chưa sử dụng hết. Nhiều địa phương còn bị đánh giá là sử dụng lãng phí, sai mục đích. Vậy có nên chia một phần kinh phí này đầu tư cho hạ tầng thông tin hay không?”.

Nói thêm về cơ chế, ông Lê Mạnh Hà cho biết, chưa có lĩnh vực nào mà mỗi bộ đều có một Cục CNTT riêng, tự xây dựng phần mềm, cơ chế quản lý riêng lẻ. Nhà nước cũng chưa có quy định nào bắt buộc các doanh nghiệp lớn của Nhà nước làm ăn có lãi như viễn thông, cao su quay trở lại tái đầu tư cho hạ tầng thông tin. Đây là những vấn đề mà Bộ TT-TT phải xem xét thấu đáo.

Tập trung huy động nguồn vốn

Tại hội nghị, các đại biểu nêu lên thực trạng, một số chương trình, đề án lớn đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng đều gặp trở ngại chung là thiếu kinh phí thực hiện. Từ đó, ông Trần Tường Lân, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và đô thị (Bộ KH-ĐT) đề xuất: “Việc huy động vốn đầu tư hiện chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước (chiếm đến 18%) và theo dự báo sẽ hạn chế trong thời gian tới. Vì thế, chuyển đổi mô hình huy động sang hình thức công - tư (PPP) hoặc thuê khoán dịch vụ là giải pháp hứa hẹn mang lại mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, nghiên cứu mở rộng đối tượng thụ hưởng từ nguồn Quỹ Viễn thông công ích (ước tính đạt khoảng 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2013 - 2020), sẽ giúp các địa phương có thêm kinh phí đầu tư cho hạ tầng thông tin”.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội tin học TPHCM dẫn chứng: “Tại Khu Công viên phần mềm Quang Trung, sau 10 năm, cứ 1 đồng vốn nhà nước bỏ ra đầu tư đã kéo theo hơn 10 đồng vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh doanh từ các thành phần kinh tế khác; thu hút trên 5 lần vốn kinh doanh của các doanh nghiệp CNTT đến đây đầu tư”. Từ đó ông Dũng kiến nghị, xây dựng hạ tầng thông tin và các khu CNTT tập trung sẽ đảm bảo cho sự sẵn sàng để thu hút các nhà đầu tư và tạo điều kiện cho quá trình đầu tư của nhà đầu tư được nhanh hơn. Chưa kể, đầu tư vào phần mềm sẽ giải quyết được một phần thực trạng “lắp ráp” trong lĩnh vực công nghiệp CNTT ở nước ta.

“Dù vậy, trong bối cảnh khó khăn chung về ngân sách, để phát triển hạ tầng thông tin đạt kết quả tốt cần sự ủng hộ quyết liệt của người đứng đầu các cơ quan nhà nước. Trong đó, Chủ tịch UBND các tỉnh - TP trực thuộc Trung ương đóng vai trò quyết định”, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định.
Nguồn: SGGP

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả