Cụ thể, hội nghị đã trình bày và thảo luận xoay quanh 6 báo cáo khoa học, gồm:
+ Suy giảm bãi cát biển Hòn Chồng tại Nha Trang và cách thức phục hồi bằng nuôi bãi (GS.TS. Kobayashi, Đại học Nihon, Nhật Bản).
+ Tiến trình thay đổi hình thái cửa sông ven biển miền Trung Việt Nam trong những năm gần đây (TS. Võ Công Hoàng, Đại học Thủy lợi – cơ sở 2)
+ Mô hình dự báo hình thành cồn cát ven biển bằng phương pháp Automaton Cellular (ông Takuya Yokota, Đại học Nihon, Nhật Bản)
+ Ứng dụng viễn thám để đánh giá sự thay đổi hình thái sông vùng đồng bằng sông Cửu Long (TS. Đào Nguyên Khôi, Đại học Khoa học Tự nhiên, TP.HCM)
+ Điều tra khảo sát các nguyên nhân biến đổi bãi biển tại các đảo nhỏ (GS. TS. Kobayashi)
+ Nghiên cứu xu hướng xói lở do sự kết hợp khai thác thủy điện ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu ven biển Sóc Trăng (NCS. Trần Thị Kim, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM).
GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc ECSS 2018.
Trong nghiên cứu xu hướng xói lở do sự kết hợp khai thác thủy điện ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu ven biển Sóc Trăng, nhóm tác giả đã ứng dụng mô hình Mike 21 để mô phỏng diễn biến lòng dẫn dưới ảnh hưởng của thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn kết hợp với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho đoạn sông Hậu đi qua tỉnh Sóc Trăng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra sạt lở ở ĐBSCL, trong đó nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là sự thiếu hụt phù sa về đồng bằng. Với 144 hồ chứa thủy điện được xây dựng trong lưu vực sông Mê Kông, theo dự báo của nhiều chuyên gia, khoảng 60-70% lượng phù sa và bùn cát sẽ lắng đọng ở lòng hồ. Kết quả tính toán của nghiên cứu cho thấy, khi lượng phù sa bị sụt giảm nhiều thì lòng dẫn bị xói lở nghiêm trọng. Mặc dù nghiên cứu này chỉ là trường hợp giả định lượng bùn cát bị thiếu hụt ở thượng nguồn nhưng cung cấp cái nhìn cụ thể về ảnh hưởng của sự sụt giảm phù sa đến tình hình xói lở lòng dẫn, góp phần dự báo nguy cơ sạt lở bờ tăng lên khi các công trình thủy điện ở thượng nguồn xây dựng ào ạt.
GS.TS. Kobayashi (Đại học Nihon, Nhật Bản) trình bày báo cáo tại ECSS 2018. Ảnh: LV.
Được biết, ECSS 2018 nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà khoa học trên khắp cả nước. Sau khi tiến hành phản biện, có hơn 20 bài tham luận nhận được phản hồi tốt từ các nhà khoa học.
ECSS là hội nghị khoa học thường niên nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học và các đơn vị có quan hệ hợp tác trình bày kết quả nghiên cứu khoa học của mình về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội và môi trường biển và hải đảo,...Hội nghị cũng là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học có thể gặp gỡ, thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà khoa học và cơ quan nhà nước trong việc theo dõi, quản lý và ra quyết định trong lĩnh vực cửa sông, bờ biển và bãi bồi, định hướng nghiên cứu và hình thành các nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực trong và ngoài nước.