SpStinet - vwpChiTiet

 

Có thể hoãn nhà máy điện hạt nhân tới 2020

“Nếu Thủ tướng nói nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công thì đây quả là một tin rất đáng mừng. Chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng nhân lực và mọi mặt,” GS Cao Chi, nghiên cứu viên cao cấp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, chia sẻ khi nghe tin có thể sẽ hoãn khởi công nhà máy điện hạt nhân đến năm 2020 thay vì theo kế hoạch là năm 2014.
 

Người dân thôn Vĩnh Trường đang xem bản quy hoạch nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1.

Trước đó, ngày 15/1, tại lễ tổng kết của Tập đoàn Dầu khí VN (PVN),  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “PVN phải đảm bảo khí để làm cụm nhà máy điện 5.000MW thay thế cho 4.000MW điện nguyên tử, bởi nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công (theo kế hoạch là năm 2014). Làm điện nguyên tử phải an toàn cao nhất, hiệu quả cao nhất, không đạt không làm”.

Ngay lập tức thông tin này được giới chuyên gia về ĐHN vui mừng đón nhận.

GS Cao Chi chia sẻ, riêng đối với cá nhân ông đây quả là một tin rất đáng mừng.

“Vậy là chúng ta sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị những gì còn khiếm khuyết. Hiện nay nhân lực cho ĐHN vẫn còn yếu kém lắm. Nếu chậm lại ta sẽ có thời gian để chu đáo hơn trong công tác chuẩn bị nhân lực, có thời gian đào tạo thêm, chắc chắn thì mới làm”, GS Cao Chi phấn khởi.

Cùng chung quan điểm này, TS Lê Văn Hồng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam cũng chia sẻ, trước đó bản thân ông và các cán bộ có trách nhiệm đối với dự án nhà máy ĐHN từng có kiến nghị lên cấp trên xem xét không nhất thiết phải khởi công đúng thời điểm Quốc hội đã đề ra. Lý do là vì với dự án này cần thận trọng về mọi mặt nên nếu có thời gian chuẩn bị chu đáo sẽ tốt hơn.

Trước đó, từng thể hiện quan điểm về việc phát triển ĐHN, năm 2011, GS Phạm Duy Hiển kiến nghị: Nên lùi thời điểm làm ĐHN 10 năm.

“Trong điều kiện Việt Nam chưa có bất cứ lợi thế nào để làm ĐHN, nên lùi thời điểm bắt đầu xây dựng nhà máy ĐHN 10 năm để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng về công nghiệp”, GS Phạm Duy Hiển nói.

Khi đó GS Phạm Duy Hiển đề nghị: “Ta không nên từ bỏ hoàn toàn ĐHN như nước Đức. Nhưng ta không nên ưu tiên ĐHN bằng cách định kế hoạch 2020 vận hành tổ máy đầu tiên, sau đó xây một lèo 16 lò phản ứng trong 10 năm. Nên tạm lùi thời hạn 2020 lại ít nhất là 10 năm”.

Ông gợi ý, trong thời gian đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về nhân lực. Chừng nào chưa có ít nhất 100 chuyên gia thứ thiệt và một hệ thống điều hành tốt trong ngành hạt nhân để họ phát huy năng lực của mình thì chưa nghĩ đến chuyện bắt đầu. Chưa kể các điều kiện khác đều phải đạt đến khối lượng tới hạn về tài chính, hạ tầng công nghiệp đủ sức tiêu hóa được công nghệ ĐHN, và nhất là niềm tin của công chúng, yếu tố số một bảo đảm sự thành công.
 
Nguồn: Đất Việt

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả