Không nằm ngoài xu hướng chung, ngày 21/4, lần đầu tiên Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Sở Thương mại Khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hoá Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây). Hội nghị có sự kết nối và tham gia của hơn 150 doanh nghiệp hai nước hoạt động trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, trong đó có 35 doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cam kết
tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam - Quảng Tây kết nối hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay: Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung và với tỉnh Quảng Tây nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) truyền thống giữa hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Do đó, Cục XTTM Việt Nam và Sở Thương mại Quảng Tây đã nhanh chóng trao đổi, nỗ lực cùng tìm kiếm giải pháp XTTM phù hợp trên cơ sở ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hỗ trợ cho doanh nghiệp hai bên duy trì các hoạt động tiếp xúc, kết nối giao thương.
Ông Vũ Bá Phú cũng cho biết: Việt Nam đang trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm dồi dào ở châu Á cho thế giới. Nhiều sản phẩm của Việt Nam đang được chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, hình thức và giá trị gia tăng với giá cả cạnh tranh, chắc chắn đáp ứng được tốt hơn các nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của doanh nghiệp và người dân Quảng Tây. “Cục XTTM Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam và tỉnh Quảng Tây kết nối kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài, cùng phát triển bền vững”, lãnh đạo Cục XTTM nhấn mạnh.
Hội nghị Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hoá Việt Nam- Trung Quốc (Quảng Tây)
thu hút hơn 150 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm
Ông Hồ Tỏa Cẩm - Tham tán Công sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam cũng đồng tình: Việt Nam có ước vọng phát triển thành cường quốc nông nghiệp. Trong khi đó, Trung Quốc với dân số đông, nhu cầu hàng hóa lớn sẽ là thị trường tiêu thụ tiềm năng. Bình quân mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD hàng nông sản. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, như vậy còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Đặc biệt, Việt Nam đang sản xuất rất nhiều nông sản như vải, cà phê, hạt điều….được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng, do vậy hai nước có triển vọng to lớn trong hợp tác thương mại trong lĩnh vực hàng nông sản và thực phẩm.
Rủi ro từ dịch bệnh còn lớn, do vậy ông Hồ Toả Cẩm cho rằng: Tận dụng internet để triển khai hình thức giao thương là xu hướng tất yếu. Hy vọng trong thương mại Trung Quốc - Việt Nam giao dịch trực tuyến trở thành hình thức mới và không thể thiếu trong tương lai.
Đại biểu phía Việt Nam nhấn nút khởi động Hội nghị giao thương trực tuyến hàng hóa
Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)
Với tỉnh Quảng Tây, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của địa phương này. Riêng năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt trên 175 tỷ nhân dân tệ, số lượng hàng hóa vận chuyển qua các cặp cửa khẩu của hai nước tăng cao. Để đẩy mạnh hơn nữa giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Quảng Tây, ông Tưởng Liên Sinh - Giám đốc Sở Thương mại Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây cũng kiến nghị: Việt Nam tăng cường tạo mặt bằng giao thương trực tuyến cho doanh nghiệp hai bên. Khai thông các cặp cửa khẩu, nhanh chóng xây dựng tuyến đường sắt vận tải Nam Ninh - Hà Nội giúp lưu thông hàng hóa nhanh và thuận lợi. Tăng cường giao lưu, cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp hai nước nắm bắt cơ hội và giao thương.
35 doanh nghiệp Việt Nam tham gia kết nối và chào bán đa dạng
các sản phẩm nông sản và thực phẩm
Là một trong 35 doanh nghiệp Việt Nam tham gia sự kiện, bà Văn Thị Loan - Giám đốc Công ty TNHH Real Bean Coffee nhận định, Quảng Tây là thị trường nông sản lớn của Việt Nam, lại có nét văn hóa tương đồng nên sẽ có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm. Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến các hoạt động XTTM truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm của công ty không thực hiện được. Hình thức kết nối trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mới mà còn giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ngay khi hết dịch bệnh và thị trường mở cửa trở lại.
Nguồn: Việt Nga - Bùi Hùng, congthuong.vn