SpStinet - vwpChiTiet

 

Đa dạng giải pháp chống mặn, chống hạn cho nông nghiệp vùng ĐBSCL

Cho đến nay, toàn bộ 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đã bị hạn hán và xâm nhập mặn trầm trọng. Tổng diện tích thiệt hại đến cuối tháng 3 năm 2016 là 180 ngàn ha. Để cung cấp thông tin liên quan đến các hướng nghiên cứu nhằm giải quyết vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam, ngày 27/5/2016 Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức chương trình báo cáo phân tích xu hướng công nghệ với chủ đề "Ứng dụng công nghệ tưới khoa học cho phát triển cây trồng trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn".
 
Báo cáo phân tích xu hướng công nghệ với chủ đề "Ứng dụng công nghệ tưới khoa học cho phát triển cây trồng trong điều kiện hạn hán và xâm nhập mặn. Ảnh: H.M.

Theo GS.TS.Nguyễn Bảo Vệ, Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ, mặn trong nước làm tăng áp suất thẩm thấu của môi trường nước quanh rễ làm rễ không hấp thụ được nước. Do đó, chỉ một thời gian ngắn sau khi bị mặn, cây trồng có triệu chứng thiếu nước, các tiến trình biến dưỡng trong cây bị rối loạn làm cây không hấp thụ được dưỡng chất hay làm cho cây bị ngộ độc.

Để khắc phục những thiệt hại do mặn gây ra trong sản xuất nông nghiệp, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi hiện tượng xâm mặn đã tập trung nghiên cứu và đề xuất các giải pháp chống mặn nhằm duy trì sản xuất như cải tạo đất trồng; kỹ thuật canh tác; phân bón và chế phẩm sinh học; giải pháp thủy lợi.

Phân tích sáng chế từ CSDL sáng chế Thomson Innovation của Trung tâm Thông tin KH&CN TP. HCM theo các hướng nghiên cứu trên cho thấy, từ năm 1965 đến 2015 (sau 50 năm) có 1.400 sáng chế. Cơ cấu sáng chế từ năm 2010 trở lại đây có 35,6% nghiên cứu theo hướng kỹ thuật canh tác; 38,5% theo hướng sử dụng phân bón và chất cải tạo đất và có 25,9% theo hướng sử dụng biện pháp thủy lợi. Hướng sử dụng phân bón và chất cải tạo đất được nghiên cứu nhiều vào trước năm 2000 nhưng hiện nay đã chững lại cho các hướng nghiên cứu khác phát triển.

Các giải pháp được thảo luận để ứng biến với tình hình hạn hán như hiện nay tại ĐBSCL trong buối báo cáo gồm: phát triển giống lúa kháng mặn; chuyển đổi sang các cây trồng cạn như bắp (ngô), đậu nành (đậu tương), mè (vừng); mở rộng, hoàn thiện mô hình lúa–tôm sú (nước mặn), lúa – tôm càng xanh (nước ngọt) ; đa dạng hóa các loài thủy sản; tích trữ và điều tiết nguồn nước ngọt hợp lý; tăng hiệu quả sử dụng nước tưới; xây dựng hệ thống đê kè phù hợp với từng địa phương để bảo vệ cây trồng nhằm đảm bảo việc tưới tiêu; sử dụng các phân bón có thành phần hữu cơ và những dưỡng chất chống sốc do mặn,…
 
Các đại biểu tìm hiểu hệ thống tưới nhỏ giọt. Ảnh: H.M.

Tại buổi báo cáo, đại diện Công ty CP Công nghệ tưới Khang Thịnh cũng giới thiệu các ứng dụng công nghệ tưới khoa học cho cây trồng tại Việt Nam và trong điều kiện hạn hán, đất bị nhiễm mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới nhỏ giọt kết hợp tưới phân,…

TS.Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp nhiệt đới (TARCC), cho biết: “Nếu biết khai thác tồn trữ nguồn nước ngọt một cách khoa học, hợp lý, sử dụng các phân bón và chế phẩm sinh học thế hệ mới, chuyển đổi và qui hoạch lại cơ cấu cây trồng, cơ cấu nuôi trồng thủy sản dựa trên qui luật và điều kiện tự nhiên của ĐBSCL thì chúng ta vẫn có thể canh tác cây trồng trong điều kiện khô hạn hay bị nhiễm mặn như đã diễn ra trong năm 2016”.

Hơn 100 đại biểu từ các Sở, ban ngành, các doanh nghiệp, viện, trường tham dự sự kiện đã chia sẻ mối quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến về các biện pháp nhằm giảm thiểu hạn hán và xâm nhập mặn.
 
Hoàng Mi

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả