SpStinet - vwpChiTiet

 

Phải phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông

Đó là khẳng định của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chiến lược Phát triển lưu vực sông Mê Kông do Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tổ chức ngày 10/10 tại Hà Nội.
 
Đảm bảo sự phát triển bền vững của lưu vực Mê Kông không chỉ là trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung của các nước...(Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Hồng Toàn, chuyên gia Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cuối hạ lưu sông Mê Kông nên sẽ chịu tất cả sự đe dọa của thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong vùng và đặc biệt là chịu sức ép rất lớn của vấn đề phát triển ở thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông như việc xây dựng các công trình thủy điện hoặc việc thay đổi dòng dẫn với quy mô lớn tại Thái Lan và Campuchia... dẫn tới xói lở bờ, thiếu nước tưới trong mùa khô, rủi ro trong mùa lũ, vấn đề di cư, sinh sản của cá và sản lượng đánh bắt giảm, thiếu phù sa và chất dinh dưỡng, vấn đề xâm nhập mặn và ô nhiễm chất lượng nước.

Do đó, cần có sự theo dõi, giám sát tác động để phối hợp với các nước có liên quan; xây dựng phương án giảm thiếu tác hại tới môi trường, kinh tế, xã hội cũng như những hệ lụy của chúng đối với sinh kế của người dân.

Ngoài ra, các đại biểu đã tập trung phân tích 5 ưu tiên quản lý và 7 ưu tiên phát triển lưu vực nhằm ứng phó với các vấn đề đang tồn tại hiện nay như xây dựng thủy điện trên dòng chính ảnh hưởng đến Việt Nam, vấn đề thủy sản, cấp nước và giao thông thủy, tìm ra những giải pháp cụ thể để tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiếu hậu quả có thể xảy ra và phát triển bền vững. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm chú trọng việc đánh giá và chuẩn bị phương án ứng phó với rủi ro trong những điều kiện cực đoan nhất.

Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cho rằng, kế hoạch hành động không chỉ nhằm phát triển bền vững trong lưu vực sông Mê Kông mà còn vì mục tiêu cao nhất mà Việt Nam đang hướng đến là đảm bảo an ninh tài nguyên nước, an ninh lương thực và bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã được đề nghị đăng cai tổ chức Diễn đàn Nước thế giới vào năm 2018. Đảm bảo sự phát triển bền vững của lưu vực Mê Kông không chỉ là trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung của các nước trong Ủy hội sông Mê Kông, mà còn là điều kiện sống còn với đất nước. Việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động này là vô cùng cần thiết đặc biệt trong bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long đang chịu sức ép của thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông, sự đe dọa của thiên tai và biến đổi khí hậu trong vùng.

“Đây là kế hoạch chung của quốc gia vì vậy cần sự chung tay đóng góp của các Bộ, ngành và các địa phương liên quan. Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về Chiến lược phát triển lưu vực sông Mê Kông trong đó tập trung vào các ưu tiên được xác định trong Chiến lược phát triển lưu vực. Văn phòng Thường trực cần nhanh chóng tập hợp nhóm chuyên gia giỏi trong lĩnh vực giao thông thủy, thủy sản, xây dựng, thủy lợi, tài nguyên nước và biến đổi khí hậu” Thứ trưởng đề nghị.
 
Nguồn: Báo Đất Việt

Tư liệu liên quan:

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả