SpStinet - vwpChiTiet

 

Mùa Nobel 2011 khai màn

Mùa Nobel năm nay bắt đầu với giải Nobel Y học được công bố tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, mở đầu cho một tuần lễ trao giải tại các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Văn học, Kinh tế và Hòa bình.
 
Lễ trao giải Nobel tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển, vào năm 2007. (Ảnh: Nobelprize)

Giải Nobel Y học được trao lúc 11h30 theo giờ địa phương (16h30 giờ Hà Nội), AFP đưa tin. Giải Nobel Y học, có giá trị khoảng 10 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 1,5 triệu USD), năm ngoái được trao cho Robert G. Edwards cho thành tựu phát triển kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Kể từ khi bắt đầu được áp dụng vào năm 1978, công trình của nhà y học người Anh đã mang lại ra đời của 4 triệu sinh linh trên khắp hành tinh.
Như thường lệ, giải Nobel Hòa bình giành được nhiều sự chú ý nhất của dư luận. Giải thưởng danh giá này sẽ được công bố vào ngày 7/10 tại thủ đô Oslo của Na Uy. Năm thành viên của Hội đồng Nobel Na Uy sẽ cùng nhau lựa chọn ra người xứng đáng nhất trong số 241 người được đề cử. Danh sách này luôn là một bí mật được giữ kín tới phút chót.
Những người hay theo dõi giải Nobel dự đoán rằng Nobel Hòa bình năm nay có thể được trao cho các nhà hoạt động có liên quan tới phong trào nổi dậy Mùa xuân Ảrập tại các nước Trung Đông và Bắc Phi. Hàng loạt các chế độ kéo dài hàng chục năm tại các nước Tunisia, Ai Cập và Libya đã sụp đổ, trong khi những kịch bản tương tự được cho là có thể xảy ra tại Syria, Yemen và Bahrain.
Nếu dự đoán này chính xác, một trong những ứng cử viên hàng đầu cho giải Nobel Hòa bình sẽ là blogger người Tunisia Lina ben Mhenni, người truyền cảm hứng cho cuộc cách mạng ở đất nước bà thông qua Internet. Một cái tên tiềm năng khác là Israa Abdel Fattah người Ai Cập, người cùng với Ahmeh Maher sáng lập Phong trào Thanh niên 6/4 vào năm 2008.
"Phong trào này được nhen nhóm trên mạng xã hội Facebook và đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì định hướng và tính chất phi bạo lực của cuộc nổi dậy ở Ai Cập", Kristian Berg Harpviken, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, nói. Ông Berg cũng đề cập tới giám đốc tiếp thị Google tại Ai Cập, Wael Ghonim, một nhà hoạt động theo nguyên tắc bất bạo động và là nguồn cảm hứng quan trọng đối với những người biểu tình tại Quảng trường Tahir ở thủ đô Cairo.
Các cá nhân và tổ chức khác cũng được nhắc tới là nhà hoạt động vì nhân quyền người Afghanistan Sima Samar, tổ chức nhân quyền Memorila của Nga, nhà hoạt động người Liberia Leymah Gbowee, Thủ tướng Zimbabwe Morgan Tsvangirai, cựu thủ tướng Đức Helmut Kohl và Liên minh châu Âu.
Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho một người Trung Quốc tên là Lưu Hiểu Ba.
Nobel Văn học, năm ngoái được trao cho nhà văn mang quốc tịch kép Peru - Tây Ban Nha Mario Vargas Llosa, cũng là một hạng mục giải giành được nhiều sự quan tâm. Những diễn biến tại Trung Đông được cho là sẽ tiếp tục có ảnh hưởng tới lựa chọn của Viện hàn lâm Thụy Điển, với ứng cử viên hàng đầu lúc này là nhà thơ Adonis người Syria.
Có tên thật là Ali Ahmed Said và hiện sống ở Pháp, Adonis hồi tháng 6 gửi một bức thư ngỏ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad trên một tờ báo Libăng, có nội dung thúc giục ông Assad ngăn chặn sự đổ máu ở Syria.
Nhà cái trực tuyến Ladbrokes hôm 30/9 đặt cửa cho khả năng Adonis là người giành giải Nobel Văn học với tỷ lệ cao hơn nhà thơ người Thụy Điển Tomas Transtroemer. Ngoài Adonis và Transtroemer, còn gần 10 ứng cử viên khác cho giải thưởng sẽ được công bố vào ngày 6/10.
Các giải Nobel Vật lý, Hóa học và Kinh tế sẽ lần lượt được công bố trong các ngày 3, 4 và 10/10. Tất cả các giải nằm trong hệ thống giải Nobel sẽ cùng được trao trong các buổi lễ trang trọng được tổ chức tại Oslo và Stockholm vào ngày 10/12, để kỷ niệm ngày mất của người sáng lập Alfred Nobel.
Kể từ năm 1901, các giải Nobel Vật lý, Y học, Hóa học, Văn học và Hòa bình lần lượt được trao cho các cá nhân có đóng góp trong các lĩnh vực này. Giải Nobel không bắt buộc phải trao hàng năm, nhưng ít nhất phải được trao một lần trong vòng 5 năm. Số người tối đa cùng giành một giải Nobel là 3 người. Kể từ năm 1968, ngân hàng Thụy Điển đưa thêm giải Nobel Kinh tế vào hệ thống giải Nobel để tướng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel, người mất năm 1896.
Nguồn: Vnexpress

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả