Theo đó, với nền xe Hyundai HD360, đầu tư bồn xi-tec nhôm có thể nâng dung tích vận chuyển lên 29.000 lít (tăng 4.000 lít so với việc lắp đặt bồn sắt). Tuy chi phí đầu tư ban đầu gấp 1,6 lần so với bồn sắt, nhưng với các khoản chi phí tiết kiệm được trong quá trình vận hành, chỉ 9 tháng là có thể thu hồi được vốn đầu tư, ông Hưng cho biết.
Không chỉ có ưu thế rõ rệt về mặt hiệu quả kinh tế khi dùng làm bồn xi-tec vận chuyển xăng dầu (thể tích vận chuyển tăng từ 10-20%; giảm hao mòn xe; chi phí vận hành giảm và giá trị thanh lý cao gấp 6 lần bồn sắt), bồn xi-tec nhôm còn thể hiện rõ tính ưu việt ở các yếu tố như thân thiện với môi trường (nhôm là vật liệu dễ tái chế; giảm ô nhiễm do không tạo ra rỉ sét, chất ô nhiễm); tính thẩm mỹ cao (bề mặt đẹp, có thể không cần sơn; không nhiễm bẩn; dễ phát hiện trầy xước hư hỏng); khả năng phòng cháy tốt (nhờ phản xạ nhiệt, dẫn nhiệt và tản nhiệt tốt giảm nguy cơ tích điện; nhôm là kim loại màu nên không phát sinh tia lửa điện khi va chạm),…
Được biết, một số doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi sang sử dụng bồn xi-tec nhôm cho đội xe vận tải của mình, và gặt hái được thành quả từ sự chuyển đổi này. Đây là một tín hiệu vui, hứa hẹn một thị trường rộng mở cho các nhà sản xuất trong nước.
Phần trao đổi với đại biểu của ông Đào Quốc Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Máy và Thiết bị công nghiệp Quốc tế tại buổi báo cáo.
Trên thế giới, hợp kim nhôm được sử dụng khá phổ biến trong ngành giao thông vận tải để làm thân vỏ, kết cấu động cơ máy bay; cấu trúc thượng tầng của các tàu du lịch; tàu điện, tàu hỏa và xe ôtô...do các đặc tính ưu việt của loại vật liệu này. ThS. Trần Ngọc Dân, chuyên gia của Công ty CP Máy và Thiết bị công nghiệp Quốc tế cho biết, có thể đánh giá trình độ phát triển của một quốc gia qua lượng nhôm sử dụng trong ngành giao thông vận tải. Theo đó, quốc gia có GDP càng cao thì lượng nhôm sử dụng trong ngành giao thông vận tải càng lớn.
Ở Việt Nam, theo ThS. Trần Ngọc Dân, để phát triển sản xuất, ứng dụng nhôm và hợp kim nhôm trong ngành giao thông vận tải, cần có sự liên kết, chia sẻ thông tin, kiến thức giữa các nhà khoa học và nhà sản xuất, và giữa các nhà sản xuất với nhau. Ngoài ra, cũng cần có các chính sách kích cầu cho ngành sản xuất nhôm trong nước phát triển.