Hơn 300 đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, Viện KH&CN Việt Nam, Đại sứ Nhật Bản, đại diện Bộ Công thương Nhật Bản (METI), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Hàng Không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA)... đã tới tham dự Lễ khởi công xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam ngày 19/9 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.
Được xây dựng trên diện tích rộng gần 9 ha, Trung tâm
Vũ trụ Việt Nam có nguồn đầu tư khoảng 54 tỉ yên. Trong đó, hơn 46 tỉ yên là nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và gần 1800 tỷ đồng là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Đây là dự án đặc biệt quan trọng trong “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”. Đơn vị triển khai thực hiện và tiếp nhận dự án trọng điểm Quốc gia này là Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) trực thuộc Viện KH&CN Việt Nam.
Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sẽ đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng như làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, có khả năng quan sát toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ rada hiện đại; Xây dựng và xử lý các dữ liệu vệ tinh phục vụ giám sát và cảnh báo sớm thiên tai, các thảm họa môi trường; Dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, nguồn lợi hải sản, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho quản lý và quy hoạch đất đai; nghiên cứu và phòng chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia (Viện KH&CN Việt Nam), dự án Xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được đầu tư đồng bộ thành 3 phần bao gồm Hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực.
Với phần hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, dự án sẽ đầu tư xây dựng Trung tâm lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ; trạm thu nhận tín hiệu vệ tinh; trung tâm nghiên cứu và triển khai; trung tâm giáo dục và đào tạo; khu điều hành, bảo tàng vũ trụ, đài thiên văn. Phần tiếp nhận chuyển giao công nghệ, trung tâm sẽ tiếp nhận và tự chế tạo 2 vệ tinh nhỏ quan sát trái đất với công nghệ rađa hiện đại có độ phân giải cao, ứng dụng dữ liệu ảnh vệ tinh.
Dự kiến năm 2016, sẽ phóng vệ tinh đầu tiên và đến năm 2020 vệ tinh thứ hai sẽ được phóng lên quỹ đạo. Trong hợp phần thứ ba của dự án, sẽ có khoảng 350 nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ sẽ được đào tạo ở trình độ cao nhằm từng bước làm chủ công nghệ Vũ trụ ở Việt Nam.
“Đây là dự án đầu tư trọng điểm, tạo cơ sở nòng cốt để triển khai thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, ứng dụng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của đất nước. Khi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2020, Việt Nam sẽ có Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á” PGS.TS Phạm Anh Tuấn nói.
Trong khuôn khổ của dự án, phía Nhật Bản sẽ trực tiếp giúp Việt Nam nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp các vệ tinh nhỏ cũng như đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ vũ trụ.
Phát biểu tại Lễ khởi công Xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, ông Toshio Nagase, Phó trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định, đây là mốc son trong lịch sử ngành Công nghệ vũ trụ Việt Nam và với tiềm lực về nhân lực và công nghệ, ông Toshio Nagase cũng tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có khả năng và cơ sở để làm chủ và chế tạo thành công những vệ tinh lớn hơn trong tương lai.