Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, hiện nay số lượng nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM ngày càng gia tăng, kéo theo đó là các nguy cơ mất an toàn do hỏa hoạn, cháy nổ tăng cao. Tuy nhiên, đa phần các nhà cao tầng này đều không đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy (PCCC), hệ thống PCCC xuống cấp, hư hỏng và không hoạt động, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi làm công tác cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Do đó, trong năm 2017 trên địa bàn TP.HCM và Hà nội đã xảy ra trên 2.100 vụ cháy, làm 50 người chết và 62 người bị thương.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ trình bày tại buổi báo cáo - Ảnh: KT.
Hiện nay, các phương tiện cứu hộ hỏa hoạn nhà cao tầng như xe thang cứu hỏa, máy bay trực thăng, ống tuột cứu hộ, đệm hơi cứu hộ, dây thoát hiểm chống cháy và các giải pháp thiết kế chống hỏa hoạn,... đang được sử dụng rất phổ biến trên thế giới. Trong khi đó, tại Việt Nam hầu như chỉ sử dụng xe thang cứu hộ, và khi có cháy xảy ra, loại xe này chỉ có khả năng ứng cứu tại độ cao 30–32m (tức khoảng tầng 10-12). Ngoài ra, nếu vị trí đỗ không chuẩn, xe thang rất dễ bị đổ gây nguy hiểm cho người xung quanh. Do đó, theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, sử dụng ống tuột và đệm hơi cho cứu hộ hỏa hoạn ở các tòa nhà cao tầng là rất phù hợp với thực trạng ở nước ta.
Trong buổi báo cáo, đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Thành Nhân và ông Hoàng Khánh Hòa (Viện Nhiệt đới Môi trường) giới thiệu về sản phẩm đệm hơi và ống tuột. Đây là các sản phẩm đáp ứng được cả 3 tiêu chí quan trọng trong cứu hộ hỏa hoạn: nhanh chóng, hiệu quả và an toàn.
Đệm hơi có 2 mức chiều cao cứu hộ là 21m (ĐQ7T) và 45m (ĐQ15T) với các ưu điểm như vật liệu mềm nhẹ dễ gấp gọn, có thể triển khai ngay khi có cháy xảy ra, cứu hộ được nhiều người (90 người) và sử dụng được nhiều lần. Ngoài ra, đệm hơi còn có thể chịu được lực va đập lớn (7KN/m), chống cháy, chống lão hóa tốt và bền trong môi trường nước.
Sản phẩm ống tuột gồm 2 loại, là ống tuột đứng xoắn dài 30m (OĐX30) và ống tuột nghiêng dài 45m (ON30) có chu vi 1.800mm, làm từ vải PES có lớp chống lửa bằng sởi thủy tinh chịu nhiệt lên đến 6000C, đồng thời tích hợp thêm đai trợ lực Polyester ở ống tuột xoắn và lớp chịu lực PES phủ hỗn hợp chống cháy ở ống tuột nghiêng.
Đại biểu tham dự buổi báo cáo. - Ảnh: KT.
Hiện tại, Viện Nhiệt đới Môi trường đã làm chủ được công nghệ cũng như vật liệu chế tạo đệm hơi và ống tuột, sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tương đương ngoại nhập với giá thành thấp, chỉ từ 56–60 triệu đồng/đệm hơi (chưa VAT) và 60–86 triệu đồng/m ống (tương đương 2 triệu/m), chưa tính phí lắp đặt. Tuy nhiên, nghịch lý là khi đưa sản phẩm ra thị trường lại không được đón nhận. Vì giá thành rẻ hơn quá nhiều so với sản phẩm ngoại nhập, nên lại tạo ra sự nghi ngại về chất lượng. Đây cũng là thiếu sót cả ở khâu bán hàng và quảng bá sản phẩm của đơn vị.
Th.S Hoàng Khánh Hòa cho biết, để khắc phục vấn đề trên và nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ hỏa hoạn nhà cao tầng tại Việt Nam, cần phải có sự phối hợp của nhiều bên, ví dụ như cơ quan công an, lực lượng PCCC, các nhà khoa học, sản xuất; các nhà quảng bá, giới thiệu và chuyển giao công nghệ,...để triển khai rộng rãi thiết bị trên đến với cộng đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Trượng (Phó phòng tham mưu Đội Cảnh sát PCCC TP.HCM) cho rằng các nhà nghiên cứu của Viện Nhiệt đới Môi trường nên phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan nhà nước, để có thể đưa việc trang bị đệm hơi và ống tuột cho nhà cao tầng trở thành yếu tố cần có trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.
Do phản ánh những công nghệ liên quan đến các vấn đề còn rất nóng của xã hội, buổi báo cáo đã nhận được sự quan tâm theo dõi của nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh trong khu vực.