Hoạt động sản xuất, tiêu dùng đã thải ra môi trường rất nhiều chất thải. Nhằm bảo vệ môi trường hiện có cũng như nâng cao tiềm năng kinh tế của các nguyên vật liệu, khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đã được đề cập và trao đổi trong cuộc hội thảo “Nền kinh tế tuần hoàn - Hướng tiếp cận mới nâng cao sức cạnh tranh, giảm chất thải ra môi trường” gần đây tại TP.HCM.
Ông Sasama-san, Tổng Giám đốc công ty hóa chất Dow tại Việt Nam phát biểu trong buổi hội thảo. Ảnh: H.M.
PGS.TS. Huỳnh Trung Hải, Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 31.600 tấn chất thải sinh hoạt rắn phát sinh mỗi ngày trong khu vực đô thị, nhưng chỉ 85% trong số này được thu gom. Ở khu vực nông thôn, hàng ngày có 14.200 tấn chất thải rắn phát sinh nhưng cũng chỉ 40-50% được thu gom. Ông cho biết, Việt Nam cần phát triển các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tái chế chất thải nhằm bảo vệ mội trường, tiết kiệm chi phí.
Trái với suy nghĩ của nhiều người, quá trình thu gom và tái chế chất thải không làm tăng chi phí, mà ngược lại, còn có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Ông Sebastian Egerton-Read, điều phối viên Quỹ Ellen MacArthur, cho biết, nền kinh tế tuần hoàn hướng tới giảm thiểu chất thải, duy trì giá trị sử dụng của sản phẩm và vật liệu ở mức cao, tách biệt tăng trưởng kinh tế ra khỏi tiêu hao nguồn tài nguyên hữu hạn. Một số sản phẩm lấy ý tưởng từ khái niệm này như sản phẩm Splosh, túi dựng có thể sử dụng nhiều lần; đèn halogen thông minh của Philips tận dụng ánh sáng mặt trời để chiếu sáng, giảm điện năng tiêu thụ; nhà máy sản xuất ô tô của Renault đã được thiết kế lại, cho phép giảm hơn 80% lượng hóa chất tiêu thụ; công ty Native sản xuất mía bằng phương pháp đa dạng sinh học, giúp cắt giảm hơn một nửa lượng phân bón nhưng sản lượng lại cao hơn,...
Bên cạnh các phương pháp đổi mới triệt để, một số doanh nghiệp đã cải tiến quá trình sản xuất để hướng tới phát triển bền vững. Bà Linda Zhu, Giám đốc Phát triển bền vững, Công ty Dow Chemical cho biết, công ty này đã thực hiện nhiều biện pháp như quay vòng tái sử dụng nhiều loại bao bì, tạo thành nhiên liệu tổng hợp đối với các loại bao bì không thể quay vòng tái sử dụng. Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện việc tái sử dụng 32.000 m3 nước mỗi ngày từ việc thu hồi hơi nước, cắt giảm 25% chi phí so với việc phải khử mặn nước mặn thành nước ngọt, giảm 63 tấn CO2 phát thải mỗi năm tại một nhà máy ở Hà Lan.
Tại Việt Nam cũng có một số công ty hoạt động theo xu hướng của nền kinh tế tuần hoàn. Ông Ngô Duy Đông, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ Khí sinh học Môi trường xanh, cho biết, công ty đang sản xuất hầm bể biogas từ nhựa tái sinh. Sản phẩm này đã được giải Nhì Biotech toàn quốc năm 2013, giải Nhất sáng tạo 2013. Công ty đã dùng chất thải từ thiết bị điện tử, nhờ đó công ty không phụ thuộc vào nhựa nhập khẩu. Bình quân mỗi ngày công ty có thể sản xuất 4-5 tấn nhựa. Nhờ sản phẩm lắp được trên mọi địa hình, có độ kín tuyệt đối nên từ năm 2014 đến nay, đã có khoảng 15.000 sản phẩm được lắp đặt. Nhờ sản xuất từ nhựa tái sinh nên giá sản phẩm chỉ khoảng 9 triệu, rẻ hơn 30% so với bể làm bằng nhựa composite. Hiện sản phẩm từ nhựa tái sinh của doanh nghiệp chiếm 70% sản lượng. Hướng sắp tới, năm 2017, doanh nghiệp sẽ sản xuất hoàn toàn bằng nhựa tái sinh. Đại diện cộng đồng khởi nghiệp tại Đại học Hoa Sen cũng cho biết, ở nơi này có nhiều dự án hướng đến tái chế chất thải.
Hoàng Mi