Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tạo nên yếu tố thành công của doanh nghiệp
06/04/2012
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Đó là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT)- Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 04/4/2012.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo- Cục SHTT cho biết, khi đầu tư vào các hoạt động sáng tạo, thương mại thì phải mang lại lợi nhuận nhất định, SHTT là công cụ quan trọng, là cơ hội nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Một khi người tiêu dùng còn muốn mua hàng giả thì công tác bảo hộ quyền SHTT sẽ không có hiệu quả.
Ông Bảy cũng khẳng định, hiện nay tài sản trí tuệ đã thực sự trở thành một loại tài sản vô hình chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong tổng tài sản của các doanh nghiệp. Ở các nước châu Âu như Hà Lan, Anh, Đức từ những năm thập niên 90, tài sản trí tuệ đã chiếm từ 30-40% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp. Tại Nhật Bản, khảo sát gần 300 doanh nghiệp năm 2003 thì 45,2% tài sản của doanh nghiệp là tài sản trí tuệ, hay tại Mỹ năm 2000, tài sản trí tuệ chiếm tới 70%.
Tại Việt Nam, hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn tới việc bảo hộ quyền SHTT. Đơn cử như nhãn hiệu P/S có giá trị 5 triệu USD hay như giống lúa mới TH3-3 của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm cũng có giá trị 10 tỷ đồng. Cơ sở Duy Lợi nhờ đăng ký SHTT mà đã bảo vệ thành công độc quyền kiểu dáng công nghiệp võng xếp
Cách đây hơn chục năm (năm 1996), Công ty Phương Đông ở TPHCM bán thương hiệu kem đánh răng PS cho tập đoàn Unilever với giá 5 triệu USD, trong khi toàn bộ đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị chỉ được 3 triệu USD. Hay sau khi được bảo hộ, giá bán nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, bưởi Đoan Hùng… cũng đã tăng lên gấp từ 1,5 đến 2 lần so với trước khi đăng kí bảo hộ chỉ dẫn địa lý...
Tuy nhiên, TS Trần Quang Hùng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho biết, khó khăn chung của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam trong việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới là ít có cơ hội tiếp cận với công nghệ, đặc biệt là khó tiếp cận nguồn tín dụng để đầu tư vào công nghệ. Nguyên nhân là do việc thực thi pháp luật bảo hộ quyền SHTT hiện còn chưa được chú trọng. Các vụ xâm phạm quyền SHTT, tranh chấp thương hiệu, làm giả, làm nhái… diễn ra công khai với thủ đoạn ngày càng tinh vi gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính và người tiêu dùng. “Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến việc thực thi quyền SHTT chưa tốt là do các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc bảo vệ quyền SHTT”, ông Hùng nhận định.
Vì vậy trước khi nghiên cứu, phát triển một loại sản phẩm mới hoặc dịch vụ nào đó, các doanh nghiệp cần tra cứu thông tin để tìm hiểu tình hình trên thế giới, tránh lặp lại những nghiên cứu, sáng chế đã có. Ngoài ra khi nghiên cứu chế tạo được các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị lớn và nhiều khả năng bị làm giả, làm nhái hoặc sử dụng trái phép thì doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện đăng ký quyền tác giả.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN