Ngày 15/4/2021, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II tổ chức hội thảo giới thiệu: “Giải pháp nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn”.
Báo cáo tại hội thảo, ThS. Lê Ngọc Hạnh (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II) cho biết 3 điều kiện cần quan tâm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản hiện nay gồm: con giống không nhiễm bệnh, nguồn truyền bệnh (mầm bệnh) bị loại bỏ, môi trường ổn định (chất lượng nước tốt, mật độ vi sinh cân bằng…). Trong đó, có những biện pháp đã được nghiên cứu và ứng dụng đại trà như: cho ăn đúng – đủ tránh dư thừa, đánh khoáng định kỳ, thường xuyên bổ sung men vi sinh, xử lý nước…
ThS. Lê Ngọc Hạnh giới thiệu mô hình nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn.
Nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn là mô hình ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước để nuôi trồng thủy sản trong nhà hoặc khu vực có mái che, nhằm kiểm soát tốt điều kiện nuôi (khống chế pH, biên độ dao động nhiệt độ), hạn chế mầm bệnh xâm nhập đồng thời tiết kiệm nước (do được xử lý để tái sử dụng hoàn toàn), không xả thải ra môi trường ngoài. Đây là mô hình phù hợp cho quy mô nuôi trồng nhỏ và vừa như hộ gia đình, hợp tác xã hoặc doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản (có phân chia khu vực đặt bể, khay nuôi).
Hệ thống tuần hoàn bao gồm: bể nuôi, thiết bị lọc cơ học (để loại bỏ chất thải rắn, thức ăn dư thừa, bùn cặn), thiết bị lọc sinh học (để giảm thiểu độc tố ammonia), thiết bị khử khí CO2 trong nước, thiết bị bổ sung và kiểm soát oxy, thiết bị diệt khuẩn bằng tia UV, hệ thống giám sát chung cho cả quy trình nuôi. Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, đồng thời có khả năng tách chất thải tự động khỏi nước nuôi lươn giúp loại bỏ công đoạn xả thải, tiết kiệm tài nguyên nước và bảo vệ môi trường.
Theo ThS. Lê Ngọc Hạnh, mô hình nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn đang được ứng dụng để nuôi cả lươn giống lẫn lươn thịt (lươn thương phẩm). Tùy vào cơ sở vật chất hiện có, tổ chức – cá nhân có thể tận dụng hoặc cải tạo để linh hoạt sử dụng trong hệ thống tuần hoàn, giảm chi phí đầu tư.
Khách dự hội thảo đặt câu hỏi về cách triển khai mô hình nuôi lươn theo điều kiện thực tế
Cụ thể, mô hình nuôi lươn thịt không bùn bằng hệ thống tuần hoàn đã được triển khai ở Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang). Mô hình tận dụng lại hệ thống cấp nước và một số bể nuôi, tiến hành lắp đặt thêm hệ thống tách thải – lọc sinh học và hệ thống kiểm soát nhiệt độ.
Mô hình bao gồm 4 bể nuôi (kích thước 4x1,2x0,8m), được bố trí trong diện tích sàn 60m2 (4x15m). Lươn được nuôi trong bể (đặt trong nhà), mực nước nuôi khoảng 40cm. Năng suất dự kiến đạt 50kg/m2. Sau 28 ngày nuôi (6/3-4/4/2021), tỷ lệ lươn sống đạt 98-99%, tốc độ tăng trưởng của lươn trung bình đạt 3-5%/ngày. Việc triển khai mô hình đã giúp giảm đáng kể công thay nước mỗi ngày.
Trong khi đó, mô hình nuôi lươn giống không bùn bằng hệ thống tuần hoàn được triển khai ở Trại lươn giống Sông Ray (Đồng Nai) với quy mô nhỏ, chỉ khoảng 18m2 (6x3m). Lươn giống được nuôi trong hệ thống khay, giúp tiết kiệm diện tích sàn. Với kích thước chỉ 40x60 cm/khay, nhưng mỗi khay có thể nuôi đến 1.000-2.000 con giống. Chất lượng lươn giống đồng đều, đảm bảo là nguồn đầu vào tốt.
Đưa lươn từ đồng ruộng vào nuôi trong nhà là phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ mới, giúp tách biệt lươn với môi trường bên ngoài vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người nuôi. Vì thế, mô hình nuôi lươn không bùn bằng hệ thống tuần hoàn là giải pháp hạn chế mầm bệnh và kiểm soát tốt chất lượng lươn nuôi, không cần sử dụng đến kháng sinh trong quá trình nuôi, cho chất lượng thủy sản đồng đều và sạch, đáp ứng tốt tiêu chuẩn về chất lượng để tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay, CESTI đang hỗ trợ kết nối, chuyển giao các mô hình nuôi lươn thịt (10 tấn/kỳ thu hoạch) và mô hình nuôi lươn giống (100.000-200.000 con giống/ kỳ thu hoạch). Bên cung ứng công nghệ cam kết đồng hành với bên nhận chuyển giao trong 1-2 vụ thu hoạch, nhận cung cấp con giống đầu vào, giới thiệu nguồn đầu ra (kể cả xuất khẩu) để đảm bảo đầu tư có lợi.
Hoàng Kim (CESTI)