Phát triển KH&CN: Kỳ vọng vào thế hệ trẻ
20/11/2012
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Để đạt mục tiêu đến năm 2020, khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN, đến năm 2030 có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; đòi hỏi đội ngũ những người làm công tác khoa học phải nỗ lực vượt bậc, nhất là những nhà khoa học trẻ.
Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân tại buổi gặp gỡ toàn quốc tài năng trẻ KH&CN Việt Nam mới đây tại Hà Nội.
Nhiều thành tựu…
Chia sẻ với các tài năng trẻ KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định trong 10 năm qua thành tựu KH&CN mà Việt Nam có được tuy khiêm tốn nhưng cũng đã đạt được một số kết quả đáng tự hào.
Thứ nhất, Việt Nam có hệ thống luật pháp về KH&CN tương đối hoàn thiện với 8 đạo luật chuyên ngành rất quan trọng. Đặc biệt có 2 đạo luật mà không phải nước nào cũng có, đó là Luật năng lượng nguyên tử và Luật công nghệ cao. Đó là chưa kể luật sở hữu trí tuệ được cộng đồng thế giới đánh giá cao. Nhờ đó chúng ta đã trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới WTO.
Thứ hai, Việt Nam đã hình thành được hệ thống các tổ chức hoạt động khoa học thuộc tất cả các thành phần kinh tế với số lượng lớn và chất lượng ngày càng được nâng cao. Nếu như trước năm 2.000, Việt Nam chỉ có hơn 200 tổ chức KH&CN nhà nước thì đến nay đã có khoảng 1.600 tổ chức KH&CN trong có có hơn 900 tổ chức nằm ngoài nhà nước với đội ngũ những người làm khoa học hơn 30 nghìn tiến sĩ và hơn 100 nghìn thạc sĩ.
Thứ ba, hoạt động chuyển giao công nghệ đã có nhiều chuyển biến tích cực. KH&CN đã giúp cho nông nghiệp Việt Nam trở thành một lĩnh vực mạnh của thế giới. Trong công nghiệp, Việt Nam đã đóng được những loại tàu có trọng tải lớn để xuất khẩu đưa nền công nghiệp đóng tàu đứng hàng thứ 5 thế giới; là một trong 10 nước hoàn toàn làm chủ công nghệ chế tạo giàn khoan tự nâng 90 mét nước và kế hoạch chế tạo giàn khoan tự nâng 120 mét nước để có thể hoạt động ở những vùng biển sâu, xa bờ. Trong y tế, các nhà khoa học đã làm chủ được việc sản xuất vaccine tiêm chủng mở rộng đối với 6 loại bệnh trẻ em, gần như là nước đầu tiên trong khu vực nghiên cứu thành công vaccine phòng chống bệnh cúm H5N1 và H1N1 và thành công trong việc ghép tim...
“Những thành tựu mà KH&CN đạt được đã đóng góp rất lớn trong sự phát triển chung của nền kinh tế, xã hội đất nước, giúp chúng ta có quyền hy vọng vào thành công của mục tiêu mà chúng ta đã đặt ra” Bộ trưởng Nguyễn Quân bày tỏ.
Cần có quỹ riêng cho hoạt động KH&CN
Cũng tại buổi gặp, các bạn trẻ đã bày tỏ với Bộ trưởng Nguyễn Quân những vấn đề như: sự cần thiết phải nhân rộng mô hình Quỹ phát triển KH&CN quốc gia ra các địa phương, hay việc làm thế nào để kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp…một cách thẳng thắn, cởi mở.
Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, mô hình Quỹ phát triển KH&CN quốc gia là mô hình rất mới, hiệu quả với cơ chế tài chính thông thoáng vì thế Bộ KH&CN cũng đang xúc tiến để nhân rộng mô hình. Hiện đã có khoảng 20 tỉnh, thành phố thành lập quỹ KH&CN của địa phương và rất nhiều Bộ, ngành cũng thành lập quỹ riêng cho hoạt động KH&CN. Trong dự thảo Luật KH&CN sửa đổi, Bộ KH&CN cũng đề nghị bắt buộc các Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp đều phải có quỹ phát triển KH&CN riêng. Trước mắt là doanh nghiệp nhà nước đều phải có quỹ phát triển KH&CN doanh nghiệp.
Về vấn đề nghiên cứu và tính ứng dụng của các đề tài nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay, nghiên cứu mà không ứng dụng thì rất có nguy cơ bị “bỏ ngăn kéo”. Hiện nay, nhà nước đã ban hành 11 chương trình quốc gia về nghiên cứu khoa học, nhằm tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể “gặp” được nhau như Chương trình thị trường công nghệ. Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng thường xuyên tổ chức các Chợ thiết bị và công nghệ Techmart, để các nhà khoa học giới thiệu sản phẩm nghiên cứu của mình và các doanh nghiệp, các đối tác có thể lựa chọn công nghệ phù hợp mà doanh nghiệp mình đang hướng tới….
Một vấn đề khác cũng được nhiều bạn trẻ quan tâm (cũng là điều các nhà khoa học cần) đó là giải pháp cụ thể để khuyến khích cán bộ trẻ dành nhiệt huyết cho nghiên cứu khoa học, là cho họ được quyền tự do nghiên cứu và được tạo điều kiện làm việc tốt nhất với trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, phòng thí nghiệm, thư viện, chủ động trong hợp tác quốc tế… có như vậy những sản phẩm do họ nghiên cứu mới đáp ứng được kỳ vọng của xã hội.
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, một trong những vướng mắc hiện nay là việc thiếu các chính sách đãi ngộ gắn với chăm lo bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức. Hiện giới viên chức khoa học đang chịu thiệt thòi là đối tượng làm công ăn lương duy nhất không được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù (phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên) giống như viên chức của ngành giáo dục, y tế hay các lĩnh vực khác.
Cũng theo Bộ trưởng, Nghị quyết Trung ương 6 đã được ban hành, nhưng việc cần làm ngay hiện nay là phải cụ thể hóa bằng pháp luật và cơ chế chính sách của Nhà nước đối với cán bộ KH&CN. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự phối hợp tốt của các Bộ, ngành, địa phương và quan trọng hơn cả là sớm hình thành được chính sách thực sự trọng dụng và ưu đãi cán bộ KH&CN.
Nguồn: Báo Đất Việt