Truyền thông cải thiện vấn nạn sử dụng sừng tê giác
28/08/2014
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 27/8, cuộc thảo luận bàn tròn mang tên “vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế về vấn nạn sử dụng sừng tê giác” đã diễn ra tại Tp. HCM nhằm hưởng ứng chiến dịch quốc tế “chấm dứt sử dụng sừng tê”.
Chiến dịch “chấm dứt sử dụng sừng tê” thuộc chương trình “không có người mua, không còn kẻ giết” được phối hợp thực hiện bởi Tổ chức WildAid (Cứu trợ Hoang dã), African Wildlife Foundation (Quỹ Hoang dã Phi Châu) và Trung tâm CHANGE. Chiến lược của chương trình này là tăng cường nhận thức về vấn đề sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã của người dân thông qua truyền thông.
Các phóng viên, biên tập viên cùng tham gia thảo luận về vai trò của truyền thông và đưa ra ý tưởng trong việc ngăn chặn nạn buôn bán và tiêu thụ sừng tê trái phép.
Tại cuộc thảo luận, đông đảo các phóng viên, biên tập viên đến từ 60 đơn vị báo chí ở Tp. HCM đã cùng các chuyên gia thảo luận và trao đổi thông tin và quan điểm về tình trạng tàn sát tê giác đang ngày càng nghiêm trọng và kêu gọi sự ủng hộ của giới truyền thông cho chiến dịch.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc trung tâm CHANGE, chia sẻ: Một thử thách đối với chúng tôi là người tiêu dùng Việt Nam thường hay tin vào những lời đồn thổi, những thông tin ngoài lề, hơn là vào chứng cứ khoa học. Bộ Y tế đã khẳng định: sừng tê không phải là một thần dược có thể chữa các bệnh nan y. Nếu như mọi người không quan tâm đến việc mình đang đẩy một loài vật quý báu của thiên nhiên hoang dã đến nguy cơ tuyệt chủng, thì mọi người cũng nên biết rằng mình đang mất rất nhiều tiền vào một thứ vô bổ.
Diễn viên Hồng Ánh là đại sứ thiện chí của chiến dịch "chấm dứt sử dụng sừng tê". Giáo sư Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung Thư Việt Nam) cũng khẳng định, kinh nghiệm trong nhiều năm điều trị ung thư, tôi chưa thấy một trường hợp bệnh nhân nào khi phát hiện bị ung thư sử dụng sừng tê mà khỏi bệnh.
Hiện nay, nạn săn bắn trái phép tê giác đã tăng kỷ lục với 1.004 cá thể bị giết để lấy sừng được ghi nhận tại Nam Phi trong năm 2013. Báo cáo mới nhất của Bộ Môi trường Nam Phi cho biết, đến hết ngày 26/8/2014 đã có ít nhất 668 cá thể tê giác bị giết hại, tăng gấp nhiều lần so với năm 2007 (13 cá thể). Việc săn bắn tê giác bất hợp pháp tại Nam Phi đã có sự nhúng tay của các băng nhóm tội phạm Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam được coi là hai thị trường tiêu thụ sừng tê lớn nhất trên thế giới. Vì vậy, truyền thông có vai trò quan trọng truyền đi thông điệp kêu gọi công chúng thay đổi niềm tin và hành vi để bảo vệ loài tê giác đang trong tình trạng nguy cấp; góp phần ngăn chặn nạn buôn bán và tiêu thụ sừng tê trái phép, nhằm cải thiện hình ảnh của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.
Lam Vân