SpStinet - vwpChiTiet

 

Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thành phố xanh – bền vững

Ngày 14/12, tại TP.HCM, Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với trường Đại học Kiến trúc TP.HCM tổ chức chuỗi hội thảo và triển lãm “Các giải pháp thành phố bền vững”. Các chuyên gia Đan Mạch và Việt Nam đã trình bày và chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về các giải pháp thành phố bền vững – từ chính sách đến hành động; quản lý nước đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu;…

Tại phần hội thảo về các giải pháp thành phố bền vững – từ chính sách đến hành động, các chuyên gia đã trình bày các báo cáo Chính sách quy hoạch đô thị, thành phố thông minh và giải pháp thành phố bền vững – kinh nghiệm và bài học từ Đan Mạch; Tổng quan về giải pháp và công nghệ Đan Mạch trong quản lý nước đô thị; Chính sách quy hoạch đô thị và giải pháp thành phố bền vững – kinh nghiệm, bài học và các thách thức của Việt Nam. Bên cạnh đó còn có 2 phiên hội thảo chuyên đề về thiết kế kiến trúc xanh bền vững và quản lý nước đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu, gồm các báo cáo như: Kiến trúc đô thị xanh và bền vững – kinh nghiệm, thách thức và các bài học từ Đan Mạch; Sự phát triển công trình xanh tại Việt Nam, thuận lợi và khó khăn; Quản lý nước đô thị (cấp nước, nước thải, quản lý nguồn nước, phòng chống ngập lụt,…) – các giải pháp bền vững và hiệu quả của Đan Mạch; Các giải pháp kỹ thuật về quản lý nước đô thị;…

Theo ông Mogens Bjørn Nielsen (Giám đốc Sở Kỹ thuật và Môi trường, thành phố Aarhus), tại thành phố Aarhus (Đan Mạch) đang thực hiện các giải pháp nhằm hướng tới một thành phố không dùng năng lượng hóa thạch và phát triển bền vững như thay bóng đèn LED chiếu sáng trên các đường phố, cải tạo những công trình đã cũ, thay đổi các phương tiện giao thông, xử lý nước thải và nước chảy tràn,… Chính quyền thành phố đã xây dựng những chính sách để có một thành phố lành mạnh cho người dân như được sử dựng nguồn nước sạch với chi phí thấp, đạt hàm lượng CO2 trung tính vào năm 2030,… Trong đó, Aarhus tập trung vào việc làm thế nào để quy hoạch tổng thể thành phố đảm bảo sự phát triển bền vững về các mặt sinh thái, xã hội và kinh tế.

Aarhus đưa ra mục tiêu phải tạo được nhiều khu vực thiên nhiên đa dạng và dễ tiếp cận, giữ gìn nguồn nước sạch, đạt hàm lượng CO2 trung tính vào năm 2030 và hướng tới thành phố không dùng năng lượng hóa thạch. Để thực hiện được mục tiêu, trong 2 năm, Aarhus đã thay thế 29.000 bóng đèn dùng hơi thủy ngân thành các bóng đèn LED, qua đó giảm được 35% tổng điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng đường phố. Ngoài ra, thành phố cũng cho cải tạo lại, cải tiến về năng lượng ở những công trình cũ, giúp giảm 30% phát thải CO2 và tiết kiệm được 25% năng lượng sử dụng. Để giảm bớt lượng ô tô đi trong thành phố, Aarhus cho xây dựng những tuyến đường sắt công cộng, thay đổi công nghệ trong các phương tiện giao thông, ưu tiên sử dụng xe đạp. Xử lý nước thải và nước chảy tràn cũng là vấn đề được chính quyền thành phố quan tâm đầu tư cho các công trình hạ tầng. Đường ống nước thải được tách riêng với hệ hệ thống thoát nước mưa để thích ứng với các điều kiện khí hậu, các dòng sông cũng được làm sạch. Các nhà máy xử lý nước thải được đầu tư công nghệ để có thể làm sạch nước thải và tạo ra năng lượng.

Chuyên gia Đan Mạch trình bày về chính sách quy hoạch đô thị, thành phố thông minh và giải pháp thành phố bền vững. Ảnh: LV. 

Ông Mogens Bjørn Nielsen cho biết, các nhà máy xử lý nước thải của Aarhus  tạo ra lượng điện nhiều hơn 50% so với nhu cầu sử dụng và tạo ra 2.5GW nhiệt cho thành phố vào mùa đông. Ngoài ra, Aarhus cũng sử dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp nhằm tiết kiệm và giảm lượng nước thất thoát như lắp đặt đồng hồ đo nước tại tất cả các nơi có sử dụng nước; xử phạt kinh tế nếu để mức thất thoát vượt quá 10% lượng nước sản xuất ra; thay thế các đường ống; sử dụng hệ thống cảnh báo sớm về chất lượng nguồn nước;…

Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, Aarhus cũng có những thách thức giống TP.HCM như ngập lụt, xâm nhập mặn, sụt lún mặt đất,… Vì vậy, TP.HCM có thể tham khảo những kinh nghiệm của Aarhus để áp dụng.

Theo ông Trần Khánh Trung (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc Xanh TP.HCM), một số công trình xanh đã được thực hiện tại Việt Nam như hệ thống pin mặt trời, hệ thống trữ lạnh, tái sử dụng nước thải ở Trung tâm Thương mại BigC (Bình Dương); vườn trên mái ở nhà trẻ Pouchen (Đồng Nai); nhà máy xanh, văn phòng xanh, nhà phố xanh (TP.HCM);… Hiện có 59 công trình đạt chứng nhận xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc xây dựng những công trình xanh, bởi nhận thức của cộng đồng về môi trường còn thấp; chưa đẩy mạnh xây dựng các hệ thống hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển công trình xanh; các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công trình xanh chưa đồng bộ;… Vì vậy, cần xem việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng là yếu tố quyết định trong phát triển các công trình xanh tại Việt Nam.

Tại khu vực triển lãm cũng giới thiệu một số dự án tiêu biểu mà thành phố Copenhagen và thành phố Aarhus đang thực hiện nhằm đạt mục tiêu trở thành thành phố có hàm lượng carbon trung tính vào năm 2025 và 2030, cùng các công trình kiến trúc xanh tiêu biểu do các kỹ sư Đan Mạch thiết kế. Những mô hình, công trình phía Đan Mạch giới thiệu tại chuỗi hội thảo – triển lãm thể hiện rõ triết lý pha trộn hài hòa giữa kiến trúc, công nghệ và yếu tố bền vững. Đây sẽ là những bài học và gợi ý cho TP.HCM hiện nay.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả