SpStinet - vwpChiTiet

 

Khởi nghiệp trẻ: công nghệ không phải là tất cả

Ngày 18/4, tại trường ĐH Khoa học Tự nhiên (TP.HCM), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) tổ chức tọa đàm “Công nghệ có phải là tất cả?” với những chia sẻ về góc nhìn toàn cảnh công nghệ trong khởi nghiệp. Hoạt động này nằm trong chuỗi chương trình đồng hành cùng cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp  - Vietnam Startup Wheel 2018.

Tận dụng tối đa công nghệ số để hỗ trợ việc khởi nghiệp là chìa khóa dẫn doanh nghiệp trẻ đến với thành công. Khi tận dụng công nghệ hiệu quả thì sẽ là lợi thế cạnh tranh vượt trội cho doanh nghiệp, thậm chí trở thành mô hình dẫn dắt doanh nghiệp, dẫn dắt thị trường. Vì vậy mà ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin ra đời dành riêng cho việc hỗ trợ doanh nghiệp trẻ. Nhưng cũng chính thuận lợi này lại vô hình trở thành nỗi niềm trăn trở lớn cho người khởi nghiệp. Vì có quá nhiều công nghệ nên doanh nghiệp không biết lựa chọn ứng dụng công nghệ nào phù hợp. Thực tế cho thấy có khá nhiều ông lớn ứng dụng công nghệ thành công ngoài mong đợi như VNG, VCCorp, Foody,... nhưng cũng không ít dự án tương tự lại sớm lụi tàn như Nhóm Mua, Deca.vn, Thổ Địa,...

Theo bà Trương Lý Hoàng Phi (Giám đốc BSSC), các startup khi đưa ra sản phẩm không nhất thiết phải chứng minh công nghệ của mình là “đỉnh”, mà cần đủ tính năng cơ bản để khách hàng sử dụng thử và phản biện. Không nên chỉ lấy tư duy của mình để gắn vào sản phẩm mà cần đặt mình vào vị trí người mua để làm ra sản phẩm. Nói cách khác, công nghệ không phải là tất cả, một công nghệ “đỉnh” được tích hợp vào sản phẩm chưa chắc đã được thị trường chấp nhận. Người tiêu dùng chỉ cần thấy những gì phơi bày ra bên ngoài sản phẩm chứ ít đi sâu vào công nghệ. Tuy nhiên, những người làm hay có kiến thức về công nghệ lại có lợi thế hơn những người chỉ làm kinh doanh đơn thuần.

Các diễn giả của buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ quan tâm đến khởi nghiệp công nghệ. Ảnh: LV.

Ông Nguyễn Minh Thảo (CEO Umbala) cho rằng, đam mê công nghệ là một trong những yếu tố thuận lợi cho người khởi nghiệp, nhưng giữa công nghệ và kinh doanh có điểm liên quan tiếp nối nhau nên cần phải dung hòa giữa công nghệ và thị trường. Nếu không có tiền thì dự án khởi nghiệp sẽ chấm dứt. Vì vậy, sản phẩm làm ra không chỉ chú trọng vào công nghệ mà phải nghĩ đến việc làm sao để có người sẵn sàng trả tiền tức là có người mua và việc kiếm được đồng tiền đầu tiên từ sản phẩm của mình là rất quan trọng. Từ việc kiếm được đồng tiền đầu tiên này sẽ hình thành được mô hình, bước phát triển sản phẩm khởi nghiệp của mình như thế nào. Qua đó tích lũy kinh nghiệm và chiến lược để tiếp tục phát triển công nghệ, sản phẩm mới tốt hơn. Sản phẩm không cần phải cao siêu, to tát mà quan trọng là được thị trường chấp nhận, khi đó mới mang lại thành công cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Tại sự kiện, bà Trương Lý Hoàng Phi cũng thông tin về cuộc thi Vietnam Startup Wheel lần 6 năm 2018. Theo đó, cuộc thi hướng đến đối tượng giới trẻ đam mê khởi nghiệp và các nhà sáng lập doanh nghiệp với quy mô toàn quốc được chia thành 4 nhóm chính: doanh nghiệp khởi nghiệp (các mô hình khởi nghiệp đã đăng ký kinh doanh và hoạt động dưới 5 năm, sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp đã tồn tại và có người tiêu thụ); cá nhân, nhóm khởi nghiệp có thành viên tuổi đời dưới 35 tuổi có ý tưởng/sản phẩm/dịch vụ/mô hình khởi nghiệp cụ thể và đang ở bất kỳ giai đoạn nào; các nhà nghiên cứu khoa học của các viện/trường có sản phẩm nghiên cứu khoa học khả thi, có tính ứng dụng cao và có khả năng thương mại hóa trên thị trường; du học sinh và cựu du học sinh có ý tưởng/doanh nghiệp khởi nghiệp triển khai tại Việt Nam.

Cuộc thi kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8/2018 với hàng chục sự kiện quy mô khác nhau được tổ chức trên cả nước chia thành 4 khu vực: miền Nam (trọng điểm là TP.HCM); miền Bắc (Hà Nội); miền Trung (Đà Nẵng); miền Tây (Cần Thơ, An Giang, Bến Tre). Cuộc thi nhận hồ sơ dự thi của các dự án đến hết ngày 30/4/2018.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả