Tọa đàm về sở hữu trí tuệ dành cho phóng viên báo chí
14/04/2015
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 14/4, tại TP.HCM, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức buổi tọa đàm về sở hữu trí tuệ (SHTT) dành cho phóng viên báo chí. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động diễn ra trên cả nước của tháng hành động “SHTT góp phần gia tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp” hướng tới kỷ niệm Ngày SHTT Thế giới 26/4.
Tọa đàm về SHTT dành cho phóng viên báo chí là hoạt động thường niên của Cục SHTT nhằm trao đổi thông tin về các hoạt động liên quan đến SHTT và cập nhật chính sách, pháp luật về SHTT cùng xu hướng phát triển trong nước và thế giới; trao đổi về thực trạng hoạt động xác lập, thực thi và khai thác quyền SHTT; thảo luận về vai trò của báo chí đối với việc thúc đẩy hoạt động SHTT của Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Bảy (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, Cục SHTT) cho biết, năm 2014, Cục SHTT đã tiếp nhận 83.436 đơn các loại, trong đó số lượng đơn đăng ký xác lập quyền có sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2013 (46.347 đơn, tăng 7,8%). Riêng đơn sáng chế có 4.447 đơn, tăng 6,7% so với 2013. Việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền tăng 7,2% so với năm 2013 (xử lý được 38.745 đơn). Cục SHTT đã cấp 27.876 văn bằng bảo hộ cho các đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng 7,1% so với năm 2013), trong đó có 1.368 bằng độc quyền sáng chế (tăng 8,4%).
Về đăng ký nhãn hiệu, số lượng đơn nộp trực tiếp tại Cục SHTT năm 2014 đạt 33.064 đơn. Trong khi 90% đơn đăng ký sáng chế là của người nước ngoài thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của người Việt Nam những năm gần đây đều cao hơn của người nước ngoài nộp tại Việt Nam. Cụ thể năm 2014, trong tổng số 4.447 đơn đăng ký sáng chế mà Cục SHTT tiếp nhận, chỉ có 487 đơn của người Việt Nam; trong khi đơn đăng ký nhãn hiệu là 26.587/33.064 đơn (chiếm 80,4%).
Về thống kê số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu theo quốc gia thì Mỹ là nước có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu vào Việt Nam nhiều nhất năm 2014, tiếp đến là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Về đăng ký nhãn hiệu theo địa phương, TP.HCM dẫn đầu đơn đăng ký nhãn hiệu trong cả nước với gần 12.000 đơn, tiếp đến là Hà Nội gần 8.000 đơn năm 2014. Điều này chứng tỏ những vấn đề liên quan SHTT có sự gắn bó mật thiết với sự phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, hoặc địa phương.
Theo ông Lê Ngọc Lâm (Phó Cục trưởng Cục SHTT), trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên WTO và đang tích cực đàm phán đi đến ký kết Hiệp định TTP, hoạt động SHTT sẽ ngày càng được xã hội quan tâm. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về SHTT ngày càng được các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp đẩy mạnh, nhằm đưa hoạt động SHTT sát với nhu cầu thực tế. Các hoạt động liên quan đến SHTT sẽ không mang lại kết quả như mong muốn nếu thiếu sự hiện diện của các cơ quan truyền thông, báo chí bởi đây là cầu nối để SHTT đến với công chúng. Vì vậy, việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức về SHTT với các cơ quan truyền thông là rất cần thiết để tuyên truyền sâu rộng và làm cho hệ thống pháp luật SHTT thực sự đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Lam Vân