Trong các ngày từ 3-6/10/2016, tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN) đã diễn ra hội thảo về phân tích an toàn thiết kế VVER (AES2006).
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy chương trình nghiên cứu an toàn lò phản ứng” VIE/9/016 (2016-2017) do Viện NLNTVN thực hiện, nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong nghiên cứu về an toàn, hướng đến xây dựng một kế hoạch tổng thể dài hạn tại Việt Nam về nghiên cứu an toàn lò phản ứng hạt nhân, trong đó kết nối được đội ngũ nghiên cứu của các Viện nghiên cứu, trường đại học trong nước, nâng cao năng lực nghiên cứu an toàn điện hạt nhân của Việt Nam. Hội thảo lần này tập trung vào phân tích an toàn lò phản ứng VVER, đặc biệt là lò VVER1200/V491.
Có 4 chuyên gia quốc tế về lĩnh vực an toàn điện hạt nhân sang Việt Nam chủ trì đợt hội thảo này dưới chương trình chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) là Dr. Palmiro Villalibre Ares đến từ Ban An ninh và An toàn hạt nhân của IAEA; Dr. Jozef Misak đến từ Viện nghiên cứu hạt nhân Rez, Cộng hòa Séc; Giáo sư, Dr.Sc. Juhani Hyvarinen, đến từ Đại học Công nghệ Lappeenranta, Phần Lan; Dr.Sc. Harri Tuomisto, nguyên Phó Chủ tịch Hội NLNT Phần Lan, làm việc tại công ty điện lực Fortum. Phần Lan là nước có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về lò VVER của Nga, họ đã xây dựng nhiều lò VVER440 và hiện nay đang có kế hoạch xây dựng lò VVER1200/V491, thiết kế của Viện Thiết kế hạt nhân S.Peterburg, Liên bang Nga. Về phía Việt Nam, tham dự hội thảo có các cán bộ nghiên cứu an toàn của Viện NLNTVN, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Tập Đoàn điện lực Việt Nam, cán bộ giảng dạy và sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Điện lực, đại diện của Công ty Điện lực Westinghouse (WEC) tại Hà Nội…
Trong ngày làm việc đầu tiên, đoàn chuyên gia đã được nghe các đại diện bên phía Việt Nam trình bày về tình hình triển khai dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực cho điện hạt nhân, các khuôn khổ pháp lý quốc gia và vấn đề phân tích an toàn. Cũng trong buổi làm việc này, các chuyên gia của IAEA đã trình bày các nội dung liên quan đến đặc trưng thiết kế của kiểu lò VVER, các vấn đề liên quan đến cấp chứng nhận cho các thiết kế nhà máy điện hạt nhân hiện đang được cấp phép; những cải tiến của các lò VVER công suất lớn. Một trong những vấn đề được các chuyên gia tập trung thảo luận nhiều nhất là vấn đánh giá an toàn cho các thiết kế lò PWR mới, trong đó chú trọng đến các khía cạnh an toàn của lò VVER1200. Các đặc tính thiết kế của các loại lò như AP1000, ATMEA1 cũng đã được tổng kết đánh giá. Các kết quả tính toán phân tích an toàn do các chuyên gia trình bày cho thấy thiết kế VVER1200 hoàn toàn an toàn, đáp ứng các yêu cầu khắt khe nhất của Châu Âu về an toàn, thậm chí nếu như kịch bản sự cố xấu nhất xảy ra (mặc dù hầu như không thể xảy ra) thì cũng không cần phải sơ tán dân cư xung quanh nhà máy điện hạt nhân. Lò VVER1200 (AES2006) hiện nay đã vận hành tại Novovoronhetz, sắp vận hành tại S. Peterburg, đang xây dựng tại Belarus, Kaliningrad, chuẩn bị xây dựng tại Phần Lan, Hungary, Czech, tiếp theo là Bangladesh, Iran và Jordan...
Ngày làm việc thứ hai, nội dung thảo luận được các chuyên gia tập trung vào các sự cố nặng giả định có thể xảy ra đối với lò VVER và các biện pháp làm giảm thiểu hậu quả trong trường hợp xảy ra sự cố nặng đối các lò công suất lớn. Ngoài ra, trong buổi hội thảo các chuyên gia bên phía Việt Nam cũng đã được nghe trình bày về các tiêu chuẩn an toàn của IAEA trong việc đánh giá an toàn các thiết kế nhà máy điện hạt nhân và các vấn đề liên quan đến việc sử dụng code máy tính phục vụ cho các phân tích an toàn lò VVER.
Trong ngày làm việc thứ ba, Đoàn chuyên gia đã có chuyến thăm Trung tâm Đào tạo hạt nhân và Trung tâm đánh giá không phá hủy trực thuộc Viện NLNTVN. Trong buổi làm việc với Trung tâm Đào tạo, các chuyên gia của IAEA đã tìm hiểu về chức năng nhiệm vụ cũng như các hoạt động của trung tâm và tham quan hệ thống máy mô phỏng nhà máy điện hạt nhân VVER1200, do IAEA cung cấp cho Việt Nam và lắp đặt tại Trung tâm Đào tạo, Viện NLNTVN. Tại buổi với Trung tâm Đánh giá không phá hủy, các chuyên gia của IAEA đã được ông Vũ Tiến Hà, Giám đốc Trung tâm lần lượt giới thiệu các công nghệ và kỹ thuật đang được triển khai phục vụ cho các hoạt động đánh giá không phá hủy vật liệu, các kết cấu công trình xây dựng v.v. Ngoài ra, ông Vũ Tiến Hà cũng đã trình bày về các hoạt động đào tạo của trung tâm.
Sang ngày làm việc thứ 4, các chuyên gia của IAEA tiếp tục có các bài trình bày liên quan đến các phương pháp hiện đang được sử dụng cho đánh giá an toàn lò VVER theo đúng các yêu cầu và tiêu chuẩn của IAEA.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, chiều ngày làm việc thứ 4, các chuyên gia IAEA sẽ tham dự Hội nghị Khoa học và công nghệ cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ IV do Viện NLNTVN phối hợp với Đoàn thanh niên Viện tổ chức, được diễn ra trong 2 ngày 6-7/10/2016.
Trong khuôn khổ hội thảo đã có nhiều trao đổi thảo luận giữa các chuyên gia đoàn IAEA về nhiều khía cạnh liên quan đến an toàn hạt nhân, đến xây dựng năng lực nghiên cứu về an toàn của Việt Nam nói chung, đặc biệt chú trọng đào tạo các cán bộ nghiên cứu đầu đàn. Hiện nay Viện NLNTVN đang cố gắng cùng với các đơn vị nghiên cứu khác, các trường đại học xây dựng một chương trình nghiên cứu về an toàn lò hạt nhân. Các chuyên gia quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến và ý tưởng nhằm hỗ trợ Viện NLNTVN xây dựng chương trình này. Hội thảo về An toàn thiết kế lò phản ứng VVER (AES2006) đã thực sự giúp các chuyên gia Việt Nam giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề an toàn của lò VVER (AES2006), đồng thời cung cấp những kinh nghiệm quý báu trong nghiên cứu và triển khai các hoạt động nghiên cứu đánh giá an toàn thiết kế lò VVER nhằm hỗ trợ phát triển chương trình an toàn lò phản ứng và hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân của Việt Nam.
Một số hình ảnh trong chuyến công tác của các chuyên gia IAEA:
Buổi làm việc của các chuyên gia IAEA tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
Buổi làm việc của các chuyên gia IAEA tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân
Các chuyên gia IAEA trong chuyến thăm và làm việc với Trung tâm Đánh giá không phá hủy
Nguồn: most.gov.vn