SpStinet - vwpChiTiet

 

Kiến nghị xây dựng trung tâm giao dịch nông sản TP.HCM

Tại buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo TP.HCM với cán bộ, hội viên nông dân năm 2019, đại diện các Hội Nông dân TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM có chủ trương đầu tư xây dựng trung tâm giao dịch nông sản.

Quang cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với cán bộ, hội viên nông dân năm 2019. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quang cảnh buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố
với cán bộ, hội viên nông dân năm 2019. Ảnh: Việt Dũng

Ngày 26/11, lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ cán bộ, hội viên nông dân năm 2019. Dự buổi gặp gỡ có các đồng chí: Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố; Lê Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội nông dân thành phố cùng các lãnh đạo Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và đông đảo cán bộ hội viên nông dân.

Tại buổi gặp gỡ, ông Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo cho nghiên cứu quy hoạch vùng sản xuất tập trung (cánh đồng mẫu lớn) để nông dân sản xuất tập trung dễ quản lý, vừa có điểm để các tỉnh thành đến tham quan học tập mô hình.

Theo ông Cường, hiện nay trên địa bàn quận huyện, diện tích đất nông nghiệp do nhà nước quản lý còn bỏ hoang rất nhiều, gây lãng phí; bên cạnh đó, nhu cầu đất sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã (HTX) và nông dân là rất lớn.

Ông Cường cũng đề nghị thành phố thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm, giới thiệu các đơn vị kinh doanh bán lẻ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP thông qua các hợp đồng ổn định dài hạn. Đồng thời đề nghị UBND thành phố có chủ trương đầu tư xây dựng trung tâm giao dịch nông sản trên địa bàn thành phố.

Liên quan đến việc thẩm định hồ sơ vay vốn theo quyết định 655 của UBND thành phố, ông Cường cho rằng thẩm định giá trị tài sản thế chấp là đất nông nghiệp rất thấp, chưa đến 50% trị giá so với thị trường, không đủ điều kiện để hộ nông dân đầu tư sản xuất. Từ đó, ông Cường kiến nghị thành phố cho ngân hàng thẩm định thêm phần tài sản trên đất như nhà giữ vườn, hoa màu để tăng số tiền được vay.

Kiến nghị xây dựng trung tâm giao dịch nông sản TPHCM ảnh 1
Đại diện HTX phát biểu trong buổi lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ,
đối thoại cùng cán bộ, hội viên nông dân. Ảnh: Việt Dũng

Về việc vay vốn này, bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Thuận Yến nêu một thực tế hiện nay ngân hàng định giá đất ở Cần Giờ là 90.000 đồng/m², được vay 70% tức 1m² được vay 63.000 đồng. Với mức định giá như vậy, theo bà Nhiệm nếu chẳng may gặp rủi ro trong sản xuất thì người nông dân rất dễ mất luôn sổ đỏ.

Các đại biểu đến từ hội nông dân các quận huyện cũng nêu các ý kiến đề xuất thành phố hỗ trợ xây dựng nhà màng, nhà lưới trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất, xin chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trồng cây hàng năm, nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao; nguyện vọng của nông dân được khai thác đất nông nghiệp chưa có chủ trương đầu tư.

Tại buổi gặp gỡ đối thoại, lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng đã trả lời các ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân.

Có mặt tại buổi gặp gỡ đối thoại, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM đã cung cấp số điện thoại đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước thành phố để bà con có thể liên hệ khi có thắc mắc về việc vay vốn các ngân hàng thương mại. Đường dây nóng 0838 211 230, ông Minh cho biết đã hoạt động khá hiệu quả trong 6 năm nay.

Kiến nghị xây dựng trung tâm giao dịch nông sản TPHCM ảnh 2
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung phát biểu
tại buổi lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân. Ảnh: Việt Dũng

Kết lại buổi gặp gỡ đối thoại, đồng chí Võ Thị Dung nhận định, hiện nay nông nghiệp đóng góp tỷ trọng không lớn trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM, nhưng sự phát triển ngày càng bền vững theo đúng định hướng của thành phố là phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao. Trong lĩnh vực này ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhân lực chất lượng cao, là điều rất đáng mừng.

Đồng chí Võ Thị Dung đề nghị các sở ngành, UBND thành phố nghiên cứu các đề xuất kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân và lãnh đạo các quận huyện. Làm sao để khai thác quỹ đất nông nghiệp hiệu quả, tránh lãng phí.

Với những kiến nghị đã kéo dài nhiều năm như: việc xây dựng các công trình phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp, đồng chí Võ Thị Dung đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và mạnh dạn thí điểm để làm cho tốt.

Trình bày báo cáo đề dẫn, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Lê Thị Bạch Mai cho biết, hiện nay nông nghiệp chiếm 0,7% cơ cấu kinh tế TP.HCM. Thành phố có 114.580ha đất nông nghiệp, chiếm 54,68% tổng diện tích tự nhiên, hàng năm diện tích đất nông nghiệp giảm trên 500ha để phục vụ quá trình đô thị hóa.

Giá trị sản xuất bình quân trên một ha đất canh tác mỗi năm tăng từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010 lên 502 triệu đồng/ha năm 2018. Tính đến tháng 11/2019, toàn thành phố có 63.712 hội viên nông dân.

Trong số những tồn tại hạn chế, đáng chú ý là công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố còn khó khăn cho người dân trong thực hiện quyền dân sinh. Sự chồng chéo giữa Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai làm cho người dân chưa thực hiện được đầy đủ các quyền như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, không thể xây dựng công trình trên đất nông nghiệp và không xin được chứng nhận VietGAP do không quy hoạch vùng sản xuất.

Việc phát triển HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại chưa đạt yêu cầu, còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số HTX hoạt động hiệu quả, muốn mở rộng quy mô sản xuất nhưng khó khăn trong việc tích tụ và tập trung ruộng đất, nay có nhu cầu thuê đất nông nghiệp do các cơ quan, doanh nghiệp của thành phố quản lý để đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu nhưng chưa được quan tâm hỗ trợ.

Mai Hoa, Báo SGGP

------------

Một số giải pháp công nghệ liên quan đến phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản đang được giới thiệu, chào bán tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM - TechmartDaily (www.techport.vn):

Hệ thống nhà màng, nhà kính

Hệ thống tưới

Công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà màng.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả