Các giải pháp điển hình để phát triển khu công nghệ cao
15/04/2009
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 04/3, tại TP.HCM, Ban quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) TP.HCM kết hợp với Chương trình Hợp tác quốc tế của Trường Quản trị kinh doanh McDonough, Đại học Geogretown (Mỹ) đã tổ chức hội thảo “Các giải pháp điển hình áp dụng tại 10 khu công nghệ cao hàng đầu khu vực và thế giới”.
Hội thảo xoay quanh các vấn đề: thu hút đầu tư lĩnh vực CNC, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ CNC và định hướng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư CNC…
Các chuyên gia đã phân tích và đánh giá các chính sách, sách lược dẫn đến sự thành công của các khu KCNC điển hình ở Trung Quốc, Malaysia, Costa Rica… và đề xuất cho KCNC TP.HCM một số giải pháp. Theo đó, để thu hút nhà đầu tư lĩnh vực CNC, cần xây dựng môi trường đầu tư thân thiện với các chính sách ưu đãi cứng, có tính chất hệ thống (phát triển nguồn nhân lực, các khu chế xuất và khu phi thuế quan, hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả…) và các ưu đãi mềm (thuế và các khoản trợ cấp, quy định về lao động, cộng tác với các tổ chức/vườn ươm doanh nghiệp khác...) thể hiện tính cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư. Để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ CNC, KCNC TP.HCM nên tập trung vào chính sách tiếp cận nguồn vốn, ưu đãi thuế và hỗ trợ công nghệ; có thể mở trung tâm nghiên cứu và phát triển – R&D tại chỗ cho các DNVVN theo mô hình “Trung tâm ươm tạo doanh nhân công nghệ” của KCNC Perak ở Malaysia. Các giải pháp là xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tổ chức các hội chợ liên kết công nghiệp, tổ chức tham quan nhà máy… Về phát triển nguồn nhân lực, cần thúc đẩy sự phát triển của trung tâm đào tạo đã có trong KCNC - ; xây dựng các học viện đào tạo nghề; địa điểm của các học viện đào tạo nên gần với KCNC TP.HCM; xây dựng mối quan hệ lâu dài giữa trường đại học – ngành công nghiệp; đảm bảo sự cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với khu vực. Những giải pháp này phải có tính trọng tâm, đồng bộ và bền vững.
Bích Vân