Tàu ngầm Hà Nội thuộc lớp Kilo - được mệnh danh “hố đen” trong đại dương - đã có mặt tại Cam Ranh (Khánh Hòa) và sẽ được chuyển giao cho Hải quân nhân dân Việt Nam.
Tàu ngầm Hà Nội khi còn ở Nga. Ảnh: Đ.T
Ông Hoàng Minh Sỹ - chủ tịch kiêm giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hoa tiêu khu vực III - cho biết sáng sớm 1-1, hoa tiêu của đơn vị đã dẫn đường đưa tàu vận tải chuyên dụng Rolldock Sea chở tàu ngầm HQ-182 Hà Nội vào vùng nước gần quân cảng Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân thuộc vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).
Ông Sỹ cho biết lúc 6g50, hoa tiêu rời tàu, hoàn thành nhiệm vụ và tàu Rolldock Sea đã neo đậu tại đây, hoàn thành hải trình dài kể từ ngày 11-11-2013 đi từ Saint Petersburg (Nga) đến VN.
“Hố đen dưới đại dương”
Ngay sau đó, nhiều tàu hải quân đã tiếp cận tàu Rolldock Sea để thực hiện một số thủ tục cần thiết cho việc giao nhận tàu ngầm. Theo một nguồn tin chức năng, ngay trong ngày 1-1 các container chứa linh kiện, thiết bị của tàu ngầm Hà Nội được dỡ từ tàu Rolldock Sea và vận chuyển về Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân. Trong 1-2 ngày tiếp đó, sau khi các thủ tục bàn giao thực hiện xong, tàu Rolldock Sea sẽ chìm xuống để tàu ngầm Hà Nội tự vận hành về cảng chuyên dụng cho tàu ngầm tại Bộ tư lệnh vùng. Tại đây, tàu ngầm Hà Nội sẽ được đưa lên dock Tikhi Khod để sơn lại và thực hiện lễ thượng cờ.
Dự kiến vào giữa tháng 1-2014, lễ đón chính thức tàu ngầm lớp Kilo Hà Nội sẽ được quân đội VN tổ chức tại Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân. Sau khi giao tàu ngầm Hà Nội cho phía VN, tàu vận tải Rolldock Sea sẽ quay về Nga, tiếp tục vận chuyển tàu ngầm Kilo thứ hai mang tên Hồ Chí Minh về Cam Ranh, dự kiến vào tháng 3-2014. “Khi đã nhận đủ hai tàu ngầm lớp Kilo Hà Nội và Hồ Chí Minh, một lễ đón chính thức với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và cả đại diện nhân dân sẽ được tổ chức trọng thể” - nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, tàu ngầm lớp Kilo 636 được ví là “hố đen dưới đại dương” nhờ được bao bọc bên ngoài bằng một lớp cao su đen đặc biệt có khả năng không cho gây tiếng ồn khi tàu vận hành. “Để bảo vệ lớp cao su đặc biệt này, khi tàu neo tại cảng hoặc không lặn, phải tưới nước làm mát tàu hằng ngày” - nguồn tin này nói.
Chính quy, hiện đại
Trước đó vào ngày 13-5-2013, trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu VN đã thăm khu vực Kaliningrad (nơi đang thử nghiệm tàu ngầm Kilo 636 đầu tiên của VN mang tên Hà Nội) để động viên, thăm hỏi các thủy thủ, cũng như kiểm tra tiến độ thử nghiệm tàu ngầm. Đây là chiếc đầu tiên trong hợp đồng cung cấp sáu tàu ngầm lớp Kilo với tổng giá trị khoảng 2 tỉ USD được ký kết trong chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2009. Bên cạnh việc đóng tàu, hợp đồng còn bao gồm cả việc huấn luyện thủy thủ VN và cung cấp các thiết bị, vật tư kỹ thuật cần thiết.
Giữa tháng 6-2013, tại Cam Ranh, Quân chủng hải quân đã tổ chức lễ công bố quyết định của bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 trực thuộc Quân chủng hải quân. Đây là lữ đoàn tàu ngầm hiện đại đầu tiên của Hải quân nhân dân VN, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Việc thành lập Lữ đoàn 189 đánh dấu bước phát triển mới trong lộ trình xây dựng Hải quân nhân dân VN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Sau hành trình dài khởi hành từ ngày 11-11-2013, đến sáng 1-1-2014 tàu Rolldock Sea chở tàu ngầm Hà Nội đã có mặt tại cảng Cam Ranh - Đồ họa: Vĩ Cường - Ảnh: Duy Thanh
Chuyến đi dài 27.000km
Theo trang web hàng hải Marine Traffic và trang web quốc phòng Defense Studies, tàu Rolldock Sea đã không chọn đường đi qua kênh đào Suez vào Ấn Độ Dương trước khi đến Thái Bình Dương như những dự đoán ban đầu. Thay vào đó, tàu Rolldock Sea đã rời cảng Saint Petersburg đến biển Baltic, qua biển Kattegat để đến biển Bắc rồi tới vịnh Biscay. Sau đó, tàu Rolldock Sea đi dọc Đại Tây Dương, vòng qua mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi rồi vào Ấn Độ Dương.
Từ đó, tàu Rolldock Sea đi vào eo biển Malacca, tới Singapore trước khi đến biển Đông rồi cập cảng Cam Ranh. Ước tính tuyến đường này dài 27.000km, xa hơn nhiều so với đi qua kênh đào Suez. Tuy nhiên con đường qua kênh đào Suez dẫn tới vịnh Aden, nơi cướp biển Somalia hoạt động mạnh. Đây cũng là vùng biển hải quân các nước tập trung đông đảo để ngăn chặn cướp biển, do đó tàu chở vũ khí đi qua khu vực này dễ bị theo dõi.
Tàu ngầm Hà Nội vừa về đến cảng Cam Ranh là một trong sáu chiếc thuộc lớp Varshavyanka (đề án 636M), là loại tàu ngầm phi hạt nhân thế hệ thứ ba, được đóng tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở Saint Petersburg, Nga. Theo RIA Novosti, tàu ngầm diesel - điện lớp Varshavyanka của Nga là phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Kilo (hay còn được gọi là lớp Kilo cải tiến), được trang bị công nghệ tàng hình tiên tiến, gần như không bị phát hiện khi lặn dưới nước, có thể tấn công các mục tiêu trên bờ, trên mặt biển và dưới nước. Kilo là tên gọi của NATO để phân loại tàu ngầm quân sự diesel - điện do Nga sản xuất. Tàu ngầm lớp Kilo còn được hải quân Mỹ mệnh danh là “hố đen” vì khả năng tránh bị phát hiện khi lặn, được coi là một trong những loại tàu ngầm diesel - điện vận hành êm nhất thế giới. Theo RIA Novosti, tàu ngầm này được thiết kế để sử dụng cho cả các sứ mệnh tuần tra và trinh sát chung. Các tàu thuộc đề án 636 dài 73,8m, rộng 9,9m, có lượng giãn nước 3.100-3.900 tấn, đạt tốc độ 20 hải lý/giờ, có thể lặn sâu 300m và chở theo được 52 thành viên thủy thủ đoàn, có khả năng tuần tra liên tục trong 45 ngày, tầm hoạt động 6.000-7.500 hải lý. Tàu cũng được trang bị ống phóng ngư lôi 533mm, mìn biển và tên lửa hành trình Kalibr 3M54. Sáu tàu Kilo của VN là HQ182 Hà Nội, HQ183 Hồ Chí Minh, HQ184 Hải Phòng, HQ185 Đà Nẵng, HQ186 Khánh Hòa và HQ187 Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Nguồn: Tuổi trẻ