SpStinet - vwpChiTiet

 

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đại hội đồng WIPO 2010

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân dẫn đầu đã tham dự phiên họp Đại hội đồng thường niên lần thứ 48 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), diễn ra từ ngày 20 đến 30 tháng 9 năm 2010 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Đại hội đồng năm nay được bắt đầu bằng hội nghị cấp cao hai ngày với chủ đề: "Đổi mới, tăng trưởng và phát triển: vai trò của quyền sở hữu trí tuệ và kinh nghiệm của các quốc gia thành viên".
Khoảng 70 Bộ trưởng của các nước thành viên WIPO đã tham dự cuộc họp nhằm chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới, tăng trưởng và phát triển. Các bộ trưởng tái khẳng định cam kết về việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ nhằm hỗ trợ đắc lực cho các mục tiêu nêu trên.
Chủ tọa Đại hội đồng Alberto Dumont – Đại sứ Argentina tại Geneva khẳng định “không ai nghi ngờ về vai trò của tri thức, cụ thể là vai trò của sở hữu trí tuệ trong lịch sử phát triển của nhân loại”. Ông nhấn mạnh, quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố then chốt trong việc “xây dựng văn hóa và xã hội” và tác động đến đời sống của mọi người. Ông hy vọng với tinh thần xây dựng Đại hội đồng năm nay sẽ tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm xây dựng một hệ thống sở hữu trí tuệ công bằng, hỗ trợ cho các hoạt động đổi mới và sáng tạo.
Nhiều Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò của chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ như là một lộ trình giúp quản lý có hiệu quả tài sản trí tuệ phục vụ tăng trưởng và phát triển, cũng như vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Các bộ trưởng nhấn mạnh rằng một hệ thống sở hữu trí tuệ cân bằng sẽ góp phần bảo đảm môi trường đầu tư cho các hoạt động sáng tạo và đổi mới và vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ của Liên hợp quốc và triển khai thành công Chương trình phát triển WIPO. Các bộ trưởng cũng kêu gọi WIPO tiếp tục hỗ trợ các nước thành viên hoàn thiện hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và khu vực nhằm giúp họ tạo ra nhiều giá trị gia tăng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry nhấn mạnh vai trò trung tâm của quyền sở hữu trí tuệ đối với đổi mới, tăng trưởng và phát triển kinh tế. Ông cho rằng "hành trình từ ý tưởng đến thực tiễn thương mại" ngày càng trở nên phức tạp đòi hỏi "sự hiểu biết rộng hơn về những gì tạo nên đổi mới". Ngoài công nghệ, thì kiến thức về tổ chức, thị trường và xây dựng kế hoạch cũng là những yếu tố sống còn để bảo đảm thành công.
Phát biểu thay mặt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã khẳng định sáng tạo, đổi mới và phát triển bền vững giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới ngày nay. Các lợi thế so sánh, những tiến bộ kinh tế, xã hội, giảm nghèo ngày càng phải dựa vào tri thức và các kỹ năng mới. Vì vậy, ASEAN hưởng ứng tích cực chủ đề của hội nghị này.
Thứ trưởng nhấn mạnh ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện Kế hoạch hành động về quyền sở hữu trí tuệ năm 2004-2010 nhằm khuyến khích sự phát triển, thương mại hóa và bảo vệ tài sản trí tuệ của khu vực. Việc xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động về quyền sở hữu trí tuệ năm 2010 - 2015 sẽ góp phần quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, đưa các nền kinh tế ASEAN đơn lẻ thành một thị trường chung và một cơ sở sản xuất không biên giới.
Thứ trưởng tin tưởng mối quan hệ hợp tác tích cực vì lợi ích chung giữa WIPO và ASEAN sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Chương trình Đại hội đồng WIPO năm nay bao gồm các nội dung liên quan đến hoạt động của Ủy ban sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid và các cuộc họp liên quan đến các vấn đề hành chính, quản trị khác.
Bên lề Đại hội đồng WIPO, đoàn đại biểu Việt Nam đã có nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương, như chào xã giao Tổng Giám đốc WIPO và ký thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và WIPO về hỗ trợ phát triển bộ phận thường trực của Cục tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, gặp gỡ lãnh đạo nhiều đơn vị trực thuộc của WIPO như Văn phòng hợp tác châu Á – Thái Bình Dương, Phòng Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Học viện Sở hữu trí tuệ WIPO,… để thảo luận về khả năng hợp tác trong thời gian tới.
Đoàn cũng có các cuộc tiếp xúc và làm việc với đoàn đại biểu Cơ quan Sáng chế Nhật Bản, Cơ quan Sở hữu trí tuệ nhà nước Trung Quốc, Cơ quan Sở hữu trí tuệ quốc gia Hàn Quốc, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Liên bang Nga, tham dự buổi làm việc giữa lãnh đạo các cơ quan Sở hữu trí tuệ ASEAN với Chủ tịch Cơ quan Sáng chế châu Âu.

QA (Cục Sở hữu trí tuệ)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả