SpStinet - vwpChiTiet

 

BK TTO: Lời giải cho bài toán chuyển giao công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội

Là một trong những viện, trường sở hữu nhiều bằng sáng chế, giải pháp hữu ích nhiều nhất, ở Việt Nam song hoạt động chuyển giao công nghệ của trường ĐH Bách khoa Hà Nội hiện nay vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Vì vậy, làm thế nào để chuyển giao công nghệ hiệu quả là bài toán mà trường Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn không ngừng tìm kiếm lời giải.

Thống kê qua các năm cho thấy kinh phí chi cho dịch vụ KH&CN và chuyển giao công nghệ của trường còn thấp, chỉ chiếm 15-20% so với kinh phí nghiên cứu khoa học. Điều này chứng tỏ chúng ta chưa làm tốt việc chuyển giao công nghệ”, PGS.TS. Huỳnh Trung Hải, trưởng phòng quản lý KH&CN của ĐH Bách khoa Hà Nội nhận xét trong buổi tọa đàm về chuyển giao công nghệ do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức vào ngày 18/5.

Trước thực tế trên, trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBKHN) đang lên kế hoạch thành lập một trung tâm chuyển giao công nghệ (BK TTO) để hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong hoạt động chuyển giao công nghệ. “BK TTO sẽ được thừa ủy quyền của ban giám hiệu để thực hiện việc quản lý khai thác tài sản trí tuệ, từ hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho đến kí kết hợp đồng chuyển giao”, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Trung ở Viện Vật lý kỹ thuật (ĐHBKHN) cho biết về mục tiêu của dự án.

Đi tìm mô hình phù hợp

Thực chất, BK TTO không phải là đơn vị hỗ trợ chuyển giao công nghệ đầu tiên của ĐHBKHN mà đã có thao tác “ném đá dò đường” từ trước đây cả thập niên. Năm 2008, ĐHBKHN đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings) - mô hình doanh nghiệp đầu tiên được thành lập trong một trường đại học ở Việt Nam tại thời điểm đó với mục tiêu hỗ trợ nghiên cứu, ươm tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tuy nhiên, mô hình BK Holdings dần bộc lộ nhược điểm theo thời gian, bởi nhà khoa học vốn quen giải quyết các bài toán kỹ thuật không phải là người phù hợp để vận hành doanh nghiệp, nên giờ đây BK Holdings chủ yếu tập trung vào đào tạo hoặc cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp, sau đó doanh nghiệp tự đi chuyển giao công nghệ.

Do vậy, mười năm qua, mặc dù số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích của trường ĐHBKHN tăng đều qua các năm (thậm chí năm 2019 được cấp 18 bằng, gần gấp đôi năm 2018) song kinh phí thu được từ dịch vụ KH&CN và chuyển giao công nghệ lại tăng giảm thất thường, năm 2019 giảm gần ⅓ so với năm 2018. “Có lẽ việc chuyển giao công nghệ của chúng ta gặp khó khăn một phần là do mô hình chưa chuẩn”, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường ĐHBKHN nhận xét trong buổi tọa đàm.

Trước bài học đó trong quá khứ, BK TTO giải quyết được vấn đề gì so với mô hình cũ? Khác với BK Holdings chỉ tập trung hỗ trợ thành lập, ươm tạo doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, BK TTO sẽ hỗ trợ nhà nghiên cứu “từ a đến z” - giống như mô hình TTO phổ biến trong các trường đại học trên thế giới: đầu tiên, họ sẽ giúp các nhà khoa học xác định công nghệ nào có tiềm năng thương mại hóa; sau đó đánh giá công nghệ; tư vấn, hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tìm kiếm đối tác và kí kết hợp đồng chuyển giao,... “Ưu điểm của mô hình này là hỗ trợ từ đầu đến cuối, thuận tiện hơn cho các nhà nghiên cứu”, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn nhận xét. Hiện nay, BK TTO vẫn đang trong quá trình xây dựng, “dự kiến trong năm 2020, chúng tôi sẽ công bố quy chế, nội quy, quy trình, sổ tay của BK TTO”, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Trung cho biết.

Ý tưởng về mô hình BK TTO là kết quả của một quá trình tìm hiểu, chuẩn bị kỹ lưỡng của các nhà khoa học ở trường ĐHBKHN trong bối cảnh chưa đơn vị nào ở Việt Nam có một TTO thực sự đúng nghĩa. “Chúng tôi đã tham khảo mô hình của Đại học Cornell - nơi có nhiều kinh nghiệm vận hành TTO nói riêng và chuyển giao công nghệ nói chung”, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Trung cho biết. Bên cạnh đó, mô hình BK TTO của ĐHBKHN còn được thiết kế phù hợp với đặc điểm riêng của trường. “Để tăng cường hiệu quả của mô hình mới và tận dụng nguồn lực sẵn có, BK Holdings sẽ hỗ trợ vận hành cho BK TTO và nhận đầu tư startup, spinoff từ BK TTO. Đây là điểm đặc biệt trong mô hình của chúng tôi”, anh nói thêm.

Sự xuất hiện của BK TTO đã đem lại nhiều hy vọng cho các nhà khoa học ở trường ĐHBKHN. “Trong số các hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp ở viện chúng tôi, chỉ có khoảng 40% là hợp đồng chuyển giao công nghệ, còn lại là hợp đồng tư vấn, vả lại chúng tôi không thể hoạt động chuyên nghiệp như công ty, nên chuyển giao được cũng chẳng có lãi mấy. Chúng tôi rất ủng hộ việc thành lập trung tâm, trường chúng ta rất nhiều sản phẩm KH&CN từ đề tài, dự án, nếu BK TTO hỗ trợ ngay từ khi phôi thai kết quả thì việc chuyển giao công nghệ sẽ hết sức thành công”, PGS.TS. Nguyễn Việt Dũng, Viện Nhiệt lạnh (ĐHBKHN) bày tỏ.

Quỹ đầu tư BK Fund

Nhiều kỳ vọng đang được đặt vào BK TTO, tuy nhiên, quá trình hỗ trợ công nghệ từ lúc còn “trứng nước” cho đến khi hoàn thiện, đủ khả năng chuyển giao đòi hỏi nhiều kinh phí đầu tư. Là một đơn vị thuộc trường đại học, làm sao BK TTO có thể giải quyết vấn đề này?

Để trả lời câu hỏi này, ĐHBKHN đang xây dựng một quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa (BK Fund). “Mặc dù mang tên Bách khoa nhưng BK Fund thực chất là quỹ đầu tư tư nhân nên sẽ tự chủ trong đầu tư, không phức tạp như quỹ sử dụng ngân sách nhà nước. Trường ĐHBKHN giữ 3 điểm chốt: tên gọi quỹ là quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa, tên gọi không thay đổi trong suốt đời hoạt động của quỹ, dù sau này có thể có nhà đầu tư nào vào góp vốn, chiếm cổ phần chi phối cũng không được phép thay đổi. Thứ hai là Bách khoa góp vốn bằng thương hiệu Bách khoa, tỉ lệ vốn góp cố định, dù tăng vốn điều lệ đến đâu thì vẫn giữ nguyên tỉ lệ. Quỹ ưu tiên nhà đầu tư là các tổ chức cá nhân của Bách khoa, kể cả cán bộ đương chức và cựu sinh viên, nếu ai có năng lực thì đầu tư, nếu không có sẽ mời các nhà đầu tư bên ngoài, thứ hai là ưu tiên phục vụ cho các đề tài nghiên cứu của trường ĐHBKHN, nếu không có mới đầu tư cho bên ngoài”, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, người tham gia xây dựng BK Fund cho biết.

Cũng giống như BK TTO, BK Fund cũng sẽ đồng hành với các nhà nghiên cứu ngay từ giai đoạn ban đầu, cụ thể, “trong trường hợp kết quả nghiên cứu, công nghệ có tiềm năng ứng dụng nhưng vẫn cần ‘ươm tạo’, phát triển thêm, BK Fund sẽ đầu tư ngay trong giai đoạn trước series A”, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo BK Holdings cho biết.

Theo dự kiến, quỹ BK Fund do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn, vốn điều lệ lần đầu là 20 tỷ đồng, công ty quản lý quỹ là BK Holdings, quy mô đầu tư khoảng 1 tỷ đồng/dự án. Quy trình đầu tư gồm 3 bước cơ bản: (1) công ty quản lý quỹ đánh giá tiềm năng, đề xuất phương án đầu tư; (2) hội đồng quản lý quỹ phê duyệt (có thể thuê tư vấn đánh giá); (3) công ty quản lý quỹ giải ngân, quản trị danh mục và lên phương án thoái vốn, thu lời. “Các công nghệ được đầu tư ở giai đoạn rất sớm, đòi hỏi thời gian thoái vốn lâu, do vậy chúng tôi dự định thời gian thoái vốn từ 4-5 năm”, ông Phạm Tuấn Hiệp nói.

Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay, khi giới thiệu và kêu gọi vốn đầu tư cho BK Fund, nhiều doanh nghiệp của các cựu sinh viên đã cam kết góp vốn với tỉ lệ nhất định. TS. Nguyễn Quân cho biết. “Sắp tới chúng tôi sẽ ngồi lại cùng các nhà đầu tư - cựu sinh viên để thảo luận các quy chế này”.

Nguồn: 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả