SpStinet - vwpChiTiet

 

Khoa học và Công nghệ Việt Nam vững tin vươn ra “biển lớn”

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) các công trình, cụm công trình được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Hội đồng Giải thưởng cấp nhà nước vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN vừa qua đã cho thấy, trình độ KH&CN của Việt Nam đã lan tỏa trên thị trường quốc tế.
  

Thông tin trên được nêu tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Gặp gỡ các tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010” do Bộ KH&CN phối hợp với Báo Đất Việt tổ chức ngày 21/2/2012.
Phát huy trí tuệ người Việt
Theo Bộ KH&CN, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là những phần thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực KH&CN được tổ chức 5 năm/lần nhằm ghi nhận, tôn vinh và trao tặng cho các nhà khoa học, tác giả công trình KH&CN xuất sắc, có giá trị cao về cuộc sống. Năm nay, các tác giả của 32 công trình, cụm công trình (trong tổng số 67 công trình có hồ sơ xét thưởng hợp lệ) thuộc 5 lĩnh vực: Khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật; khoa học nông nghiệp; khoa học y dược đã được vinh danh.
Tại buổi tọa đàm, đại diện VUSTA ví dụ Công trình “Tìm kiếm phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam” của đồng tác giả Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam đã làm thay đổi các luận điểm khoa học địa chất, dầu khí và tạo thành tiền lệ với việc ứng dụng trong khai thác dầu khí. Hay Công trình “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” do GS Văn Tạo chủ biên, GS.TS Furuta Motoo (đồng chủ biên), đã thực sự được cả giới khoa học công nhận.
Nói về Cụm công trình nghiên cứu về cây Trinh nữ Hoàng cung Việt Nam (Crinum latifolium L.), TS.DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm chia sẻ: Đây là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam được sản xuất từ thảo dược trong nước có hiệu quả cao trong điều trị bệnh u xơ tử cung, tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, sản phẩm còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài, tạo được công ăn việc làm cho người lao động, nhất là vùng nông thôn.
Nhớ lại những năm tháng gian truân khi bắt tay vào nghiên cứu Crinum latifolium L (Crila), bà Ngọc Trâm nói: “Có một nữ Giáo sư (giờ đã mất) từng nói với tôi, nếu Crila chữa được ung thư tử cung thì đây sẽ là loại thuốc tiên. Điều này thể hiện rằng: Nhiều người còn chưa tin tưởng vào các công trình nghiên cứu dược liệu của Việt Nam, chưa tin tưởng vào các nhà khoa học Việt Nam. Tuy nhiên, tôi không vì thế mà nản bởi tôi có một cơ sở khoa học nghiên cứu chắc chắn. Và thực tế đến nay, viên thuốc đã được qua thử nghiệm lâm sàng, chữa u xơ thành công 89,18%, rất cao so với các loại thuốc trên thế giới”.
Đại diện Bộ KH&CN cho rằng: Các công trình nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ đạt giải phải tạo ra được các giải pháp mới, vật liệu mới, sản phẩm mới, giống mới từ đó đem lại tác động to lớn và hiệu quả đối với sự phát triển của bản thân nền KH&CN cũng như đối với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế. Các công trình ứng dụng công nghệ đặc biệt sáng tạo phải ứng dụng được các thành tựu KH&CN thành công và đặc biệt sáng tạo…
Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng cấp Nhà nước về KH&CN năm 2010, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định: Năm nay, nhiều công trình được trao giải thật sự có giá trị cao về KH&CN và hiệu quả kinh tế xã hội. Tiêu biểu như công trình: “Ứng dụng 5 giải pháp KH&CN để chế tạo các loại thiết bị nâng hạ tại Việt Nam” giúp rút ngắn tiến độ xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La của ông Nguyễn Tăng Cường (Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung); Công trình “Tìm kiếm, phát hiện và khai thác hiệu quả các thân dầu trong đá móng granitoit trước Đệ Tam bể Cửu Long, thềm lục địa Việt Nam”...

Cần cơ chế thu hút nhân tài
Nhận xét về trình độ KH&CN Việt Nam, TS. Trần Việt Hùng khẳng định: Các trí thức công nghệ trẻ Việt Nam hiện nay rất giỏi. Họ được đào tạo tương đối bài bản. “Nếu như trước đây chúng tôi chỉ được đào tạo ở trong nước hoặc đi học ở các nước xã hội chủ nghĩa thì giờ họ có thể đi học ở tất cả các nước có trình độ KH&CN cao nhất trên thế giới. Vì vậy, việc thu hút lực lượng trẻ tham gia vào nghiên cứu khoa học, đóng góp cho sự phát triển nền KH&CN nước nhà là rất quan trọng”, đại diện VUSTA nhấn mạnh.
Theo VUSTA, mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách thu hút lực lượng trẻ nhưng do điều kiện sống của Việt Nam còn chưa cao, trong khi đó, ở nước ngoài lại có cơ chế thu hút chất xám lớn nên việc thu hút lực lượng công nghệ trẻ tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. “Vấn đề là làm sao để tạo được cơ chế thích hợp để thu hút lực lượng tri thức trẻ. Đây là một trong những nhiệm vụ mà VUSTA và Bộ KH&CN quan tâm trong thời gian tới”, đại diện VUSTA trăn trở.
Tại tọa đàm, bà Ngọc Trâm cũng mong muốn: Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng vùng nguyên liệu trinh nữ hoàng cung để sản phẩm có thể chiếm lĩnh được thị trường tại nhiều nước trên thế giới.

Trao đổi với phóng viên Tin Tức ngày 21/2/2012, Thứ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết: Bộ KH&CN đã tham mưu với Chính phủ trong giai đoạn tới tập trung đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, chuyển giao nhanh các công nghệ vào ứng dụng xã hội thông qua nhiều hoạt động và giải pháp khác nhau. Bộ cũng đã tham mưu với Chính phủ chủ động mở rộng và điều chỉnh các kênh tài chính hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng KH&CN thông qua hệ thống các quỹ. Đơn cử: Quỹ phát triển KH&CN quốc gia trong 3 năm qua đã tạo được tiếng vang trong cộng đồng KH&CN, góp phần trực tiếp vào việc số lượng bài báo, công trình khoa học được công bố trong nước và công bố quốc tế tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2001- 2005 (trung bình 18%/năm), tập trung nhiều ở các lĩnh vực toán học, vật lý, khoa học vật liệu, sinh học phân tử, miễn dịch học - bệnh truyền nhiễm và y học nhiệt đới. Số lượng công bố quốc tế chỉ riêng trong 3 năm (2008 - 2010) đã tương đương với số lượng công bố quốc tế cả giai đoạn 10 năm (1995-2004).
Nguồn:  Báo Tin tức - Thông tấn xã Việt Nam

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả