Những bất hợp lý của quy định về tài chính trong nghiên cứu khoa học đang buộc các nhà khoa học phải “nói dối”. Bắt đầu từ năm 2013, TP.HCM sẽ áp dụng phương thức đặt hàng sản phẩm, giúp nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu, không phải bận tâm giải thích chi tiêu.
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc sở KH&CN TP.HCM
Để quy định này được áp dụng vào thực tiễn, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã phải nhiều năm theo đuổi. Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở trò chuyện với khampha.vn về việc “cởi trói” này.
Thưa ông, nhiều người cho rằng quy định trong quản lý khoa học đang “trói chân” người làm khoa học. Theo ông, có những điểm bất hợp lý nào?
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM: Bất cập lớn nhất hiện nay đối với các nhà khoa học là chi tiêu, thủ tục thanh toán trong nghiên cứu rất phức tạp, nhiêu khê. Nghiên cứu khoa học phải thực hiện theo định mức kỹ thuật của các ngành kinh tế.
Thông tư 44 liên bộ Bộ KH&CN và Bộ Tài chính (44/2007/TTLT/BTC–BKHCN, ngày 07/5/2007) quy định một chuyên đề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tối đa 12 triệu đồng, ngành kỹ thuật tối đa 30 triệu đồng. Quy định này dẫn đến tình trạng để có đủ tiền nghiên cứu buộc phải “lách” khi đăng ký bằng cách chẻ nhỏ đề tài. Nghiên cứu khoa học đang được áp dụng theo định mức, giống như xây cái nhà, phát cho bao nhiêu xi măng, sắt, cát, gạch…
Những điểm bất hợp lý này khiến nhà khoa học phải nói dối. Không phải nhà khoa học muốn nói dối, cũng không phải họ thiếu trung thực, nhưng chính quy định buộc họ phải làm vậy mới hợp lệ. Quy định tưởng chừng như chặt chẽ trên đang là rào cản cho phát triển KH&CN và rất chậm để thay đổi, dù đã nói chục năm nay.
UBND thành phố chỉ đạo theo hướng mua sản phẩm nghiên cứu, sau khi xét thấy có thể áp dụng Thông tư liên tịch số 93 (93/2006/TTLT/BTC-BKHCN, ngày 04/10/2006) về đặt hàng trong nghiên cứu khoa học. Do vậy, TP.HCM chọn cách áp dụng đặt hàng trong nghiên cứu khoa học.
Để tháo gỡ bất cập trên, được biết từ năm 2013, TP.HCM sẽ áp dụng phương thức đặt hàng trong nghiên cứu khoa học. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Khi nhà nước đã đặt hàng, nhà khoa học chỉ cần nộp sản phẩm cam kết và một hóa đơn theo kinh phí được duyệt là xong. Nhà khoa học không còn cần phải “vẽ” chuyên đề, giải thích việc mua vật tư thiết bị, chi tiêu thế nào…
Cụ thể, sau khi đề tài nghiên cứu được thông qua, Sở KH&CN TP.HCM sẽ ký thêm một hợp đồng đặt hàng nghiên cứu phát triển KH&CN với chủ nhiệm đề tài. Sau đó tiền sẽ được chuyển vào tài khoản bất kỳ của nhà khoa học chứ không nhất thiết ở kho bạc và họ được toàn quyền chi tiêu cho công việc nghiên cứu.
Thưa ông, áp dụng cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu, TP.HCM có “vượt rào” so với các quy định hiện nay?
Việc hợp đồng đặt hàng nghiên cứu khoa học không trái với quy định hiện nay, chỉ là do trước nay mình chưa nghiên cứu kỹ và biết cách vận dụng. Trong Thông tư 93 có quy định về hợp đồng đặt hàng cho nhà khoa học nghiên cứu.
Cơ chế tài chính đã được tháo, còn việc xét duyệt, tiến độ đề tài, hội đồng nghiệm thu có thay đổi gì không, thưa ông?
-Nhà khoa học khi làm đề cương không cần quan tâm đến chuyên đề như trước đây, nhưng mô tả sản phẩm nộp phải rõ ràng.
Cũng bắt đầu từ năm 2013, Sở KH&CN sẽ áp dụng phần mềm quản lý các đề tài nghiên cứu khoa học. Theo đó, mỗi tháng chủ nhiệm đề tài phải gửi một thông báo (không phải là báo cáo khoa học) đã làm được những gì, làm tới đâu. Tháng nào không nộp thông báo sẽ có cảnh báo. Ba tháng liền không thông báo, Sở sẽ dừng đề tài, đòi lại tiền.
Trong quá trình nghiên cứu, nhà khoa học có thể kiến nghị hội đồng khoa học thay đổi cho phù hợp. Nghiên cứu không thành công cũng chấp nhận được, nhưng phải giải trình rõ trên cơ sở khoa học. Trong nghiên cứu khoa học thất bại là chuyện bình thường.
Trước đây nhà khoa học quá bận tâm vào giải thích chi tiêu, không còn đủ thời gian làm khoa học. Giờ tháo gỡ được về tài chính, yêu cầu khoa học sẽ chặt hơn. Hội đồng nghiệm thu sẽ làm việc nghiêm hơn. Hạn chế thời hạn theo hợp đồng đăng ký. Tóm lại, thay vì quản chặt đầu vào sẽ quản chặc sản phẩm giao nộp.
Xin ông cho biết những đề tài nào sẽ áp dụng theo quy định này?
Những đề tài cấp kinh phí đợt đầu trong 2013 sẽ được áp dụng quy định này, dù đó là đề tài của năm trước. Những đề tài đã cấp kinh phí trước đó vẫn áp dụng theo quy định cũ.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Khampha