Trên bối cảnh Việt Nam đang hướng tới tăng trưởng xanh bền vững, hội thảo nhằm bàn luận, giới thiệu và gợi ý các giải pháp cụ thể về kinh doanh điện gió cho Việt Nam ở tất cả các giai đoạn của dự án. Các chuyên gia trong và ngoài nước đã trình bày và thảo luận về các rủi ro có thể gặp phải cũng như các chiến lược giảm thiểu rủi ro, gia tăng lợi nhuận khi có sự phát triển của nhà máy năng lượng gió; các giải pháp tài chính cho việc kinh doanh điện gió, trong đó đưa ra các ví dụ và kinh nghiệm hữu ích từ các dự án trong khu vực.
Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng gió, nhưng hiện nay Việt Nam mới có 4 dự án điện gió được đưa vào khai thác với tổng công suất khoảng 159,2 MW. Trong đó nhà máy điện gió Bạc Liêu là (99,2 MW), Tuy Phong (30 MW), Phú Qúy (6 MW) và Phú Lạc (24 MW).
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng (Viện Năng lượng, Bộ Công thương), dự báo tiềm năng năng lượng gió ở Việt Nam đến năm 2030 ở mức 27 GW, xét trong dài hạn, con số này có thể lên tới 144 GW. Tuy nhiên, các rào cản chủ yếu cho phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) là thiếu năng lực đánh giá và phát triển dự án, cơ sở hạ tầng kém. Việt Nam còn phụ thuộc vào công nghệ, khó tiếp cận thông tin về tiềm năng các dạng NLTT và chưa có quy hoạch quốc gia cho NLTT. Mặt khác, chính sách và cơ chế hỗ trợ cho NLTT còn thiếu, chưa đủ mạnh, giá điện thấp, vốn đầu tư ban đầu lớn, nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn cũng là những nguyên nhân khiến điện gió chưa phát triển.
Chuyên gia điện gió của Đan Mạch trình bày tại hội thảo. Ảnh: LV.
Theo ông Michael Perkins (chuyên gia Tài nguyên gió và Địa điểm, Vestas), năng lượng đầu ra là yếu tố quan trọng hàng đầu khi phát triển dự án về điện gió. Thông qua việc hiểu rõ điều kiện gió ở mỗi giai đoạn của quá trình phát triển, dự án có thể thu về giá trị tối đa, đồng thời giảm thiểu rủi ro phát triển. Để lập một dự án điện gió cần phải đánh giá đúng tiềm năng, đo lường chính xác, cụ thể và lựa chọn công nghệ phù hợp. Ở các nước châu Âu, tốc độ gió không cao nhưng tương đối đều, trong khi đó ở Việt Nam giữa các mùa có sự khác biệt rất lớn. Do vậy, các nhà đầu tư thường cần ít nhất 12 tháng để đánh giá đầy đủ về hình thái gió. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc khai thác điện gió ở Việt Nam hiện nay đang thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng.
Ông Phạm Trọng Thực (Vụ trưởng Vụ NLTT, Tổng cục Năng lượng) cho biết, với nguồn lực của Việt Nam, để phát triển được điện gió thì rất khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn. Vì vậy, Việt Nam cần hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế để thực hiện các dự án điện gió. Bộ Công thương cam kết các hợp đồng mua bán điện gió dài hạn (ít nhất 20 năm) để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào lĩnh vực NLTT tại Việt Nam.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Việt Nam cần xây dựng Luật NLTT để thể chế hóa việc phát triển NLTT; xây dựng chương trình phát triển NLTT, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về công nghệ và thiết bị NLTT; tạo lập nguồn tài chính bền vững cho phát triển NLTT, xây dựng cơ chế giá linh hoạt,...