Ngày 24/12, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán - ICST (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá hoạt động giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng phát triển giai đoạn 2016 – 2020.
Theo báo cáo, giai đoạn 2010 - 2015, việc phát triển khoa học cơ bản của ICST đã đạt được thành công ấn tượng với 57 đề tài khoa học, 124 bài báo quốc tế. Nhiều nghiên cứu khoa học cơ bản ở một số ngành khoa học như: khoa học sự sống, khoa học phân tử, toán cơ bản,... đã được đăng trên các tập san lớn và có nhiều trích dẫn. Giai đoạn này, ICST cũng đã bước đầu thực hiện thành công một số đề tài ứng dụng như: hệ thống quản lý thông tin môi trường (hiện đang được triển khai sử dụng ở Trung tâm Quan trắc môi trường TP.HCM), prototype tàu ngầm cỡ nhỏ 2 chỗ ngồi cho hoạt động du lịch, prototype mô hình tính toán phỏng đoán chất lượng nước sông Sài Gòn,…
Đặc biệt, ICST là một trong những đơn vị được UBND TP.HCM và Sở KH&CN cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù như: bổ nhiệm vị trí quản lý và trả mức lương cao hơn đối với các nhà khoa học Việt kiều nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ nhân tài về làm việc. Đây là những người giữ vai trò chính trong đề xuất định hướng nghiên cứu, phát triển về khoa học, đào tạo nguồn nhân lực của ICST.
Tuy nhiên, hoạt động của ICST cũng còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, phát triển và mở rộng quy mô, thu hút nguồn nhân lực. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật của Viện hiện không đủ đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động nghiên cứu và đào tạo; nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí các nhóm chuyên gia nghiên cứu – thí nghiệm mỗi khi có dự án mới, cũng như không thể tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo và thực hiện các dịch vụ chuyển giao công nghệ tại trụ sở Viện.
Trao đổi, thảo luận tại buổi tổng kết. Ảnh: LV. Hệ thống tính toán hiệu năng cao (HPC) của Viện đã xuống cấp nghiêm trọng, hiệu suất rất thấp, chỉ còn đáp ứng được 6,25% nhu cầu xử lý của các phòng thí nghiệm. Nhiều bài toán phức tạp của Viện trong những năm gần đây phải gửi ra các hệ thống HPC nước ngoài để nhờ hỗ trợ. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro như: tổn thất kinh phí, mất chủ động trong quá trình thực hiện nghiên cứu, khó đảm bảo vấn đề sở hữu trí tuệ của các công trình nghiên cứu cũng như an toàn dữ liệu,… Mặt khác, việc quản lý nhân sự, chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài chưa thực sự hiệu quả nên việc phát triển khoa học còn bất cập, các nhà khoa học Việt kiều không có nhiều chủ động trong đề xuất các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng cho thực tế kinh tế xã hội của thành phố.
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) nhận định, với mô hình hoạt động đặc thù, ICST đã đạt được những thành công đáng kể trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nguồn nhân lực cho phát triển nghiên cứu khoa học tính toán. Tuy nhiên, thời gian tới, Viện cần có những bước đi cụ thể, tạo đột phá, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, bám sát giải quyết những vấn đề thực tiễn của TP.HCM. Cơ chế cho Viện hiện nay khá thông thoáng nên các đề tài cần xây dựng tổng thể trong một chương trình lớn. Chứng minh được tính ứng dụng và hiệu quả khi đưa vào thực tiễn thì thành phố sẽ sẵn sàng đầu tư mạnh, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, ICST cũng cần tăng cường kết nối thông tin, chia sẻ nguồn lực, mở rộng liên kết hợp tác như một sự “trao đổi chất” thường xuyên để phát huy vai trò đầu mối, vươn tầm trở thành tâm điểm trong lĩnh vực KH&CN tính toán của TP.HCM cũng như khu vực.
GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng (Viện trưởng ICST) cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, ICST định hướng phát triển trở thành một viện nghiên cứu chuyên ngành tính toán mạnh của cả nước và khu vực, trong đó chú trọng nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học, đồng thời trở thành trung tâm đào tạo và cung cấp dịch vụ tính toán hiệu năng cao phục vụ nhu cầu ứng dụng tính toán của TP.HCM cũng như khu vực phía Nam. Cụ thể, Viện sẽ đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu ứng dụng phục vụ trực tiếp cho nhu cầu phát triển của thành phố thuộc các chương trình chống ngập, chống kẹt xe, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,…; tăng cường liên kết nghiên cứu để tạo ra những nhóm nghiên cứu mạnh; tăng cường hợp tác trong đào tạo để hình thành trung tâm đào tạo mạnh trong lĩnh vực tính toán; hình thành và phát triển vườn ươm ứng dụng công nghệ tính toán (đầu tư mạnh cho các ứng dụng có khả năng thương mại hóa cao) và từng bước hình thành một trung tâm dịch vụ và chuyển giao công nghệ tính toán.
Lam Vân