Theo đánh giá của tổ chức Gartner (Mỹ), dự kiến năm 2021, các tổ chức lớn sẽ đưa dữ liệu vào danh mục bảng cân đối kế toán và quản lý dữ liệu như những tài sản của tổ chức. Chính vì vậy, việc ý thức rằng dữ liệu là tài sản chiến lược, có tính chất quyết định đến hoạt động kinh doanh, cần phải được quản lý trong lĩnh vực ngân hàng cũng không phải là ngoại lệ.
Tại Việt Nam, khái niệm quản trị dữ liệu đã xuất hiện khá sớm, tuy nhiên, quá trình xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu gặp phải nhiều khó khăn và thách thức như: Có rất nhiều loại dữ liệu trong hệ thống; logic nghiệp vụ phức tạp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khuôn khổ pháp lý hỗ trợ công tác khai thác dữ liệu lớn, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu cho khách hàng...
|
Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã luôn chủ động trong việc tiếp cận các nghiên cứu, xây dựng chính sách, tạo điều kiện để ứng dụng sức mạnh của dữ liệu trong công tác quản lý và phát triển các sản phẩm dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Theo khảo sát tháng 9/2020 của NHNN Việt Nam, 50% các ngân hàng đã xây dựng kho dữ liệu tập trung (Data warehouse), 27% đã xây dựng các hồ dữ liệu (Data lake) để thu thập dữ liệu thô đến từ các điểm tiếp xúc số, khoảng 50% các ngân hàng đã ứng dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa quy trình vận hành, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị rủi ro,...
Tuy nhiên theo đánh giá chung, quá trình xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu cũng đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức như: có rất nhiều loại dữ liệu trong hệ thống; logic nghiệp vụ phức tạp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, khuôn khổ pháp lý hỗ trợ công tác khai thác dữ liệu lớn, đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu cho khách hàng... “Chuyển đổi mô hình hoạt động theo xu hướng số, quản lý dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính là yêu cầu cấp thiết” – Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh tái khẳng định
Với một phiên chính và hai phiên chủ đề, hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: Vai trò của quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng; hoạt động quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng trên cơ sở kết hợp hiệu quả với các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Big Data, trí tuệ nhân tạo-Artificial Intelligence, học máy-Machine Learning, phân tích dữ liệu-Data Analytics…); công nghệ và kinh nghiệm ứng dụng của các công ty Fintech và Bigtech...
|
Hội thảo khoa học với chủ đề “Quản trị dữ liệu thông minh trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính” |
Nội dung các bài tham luận tại Hội thảo đều khẳng định việc quản lý dữ liệu hiệu quả sẽ giúp các ngân hàng tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, tối ưu hóa tiềm năng, giảm thiểu chi phí, đưa ra các quyết định hiệu quả, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng… thông qua việc cải thiện chất lượng các mô hình lượng hóa rủi ro; nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường, giúp công tác kiểm toán nội bộ và kiểm tra giám sát tuân thủ hiệu quả hơn; hiểu rõ hơn về khách hàng; phát triển các mô hình dự báo theo thời gian thực, đáp ứng tức thì nhu cầu của khách hàng; cá nhân hóa giao tiếp với khách hàng, gia tăng khối lượng khách hàng…
Bên cạnh đó, các quan điểm của diễn giả, nhà khoa học tại hội thảo đều đồng thuận cho rằng quản trị dữ liệu thông minh cần được đề cập như một cấu phần quan trọng trong chiến lược phát triển của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Đây là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, nhưng cũng là xu hướng cần thiết và tất yếu.
Ông Nguyễn Kim Anh cho rằng, những ý kiến tham luận tại Hội thảo làm cơ sở để hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý dữ liệu ở tầm quốc gia nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính nói riêng; lựa chọn được các công nghệ, mô hình và giải pháp kỹ thuật tiên tiến, phù hợp với ngành ngân hàng Việt Nam, để từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý dữ liệu trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; tạo nền tảng thuận lợi cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của CMCN4.0, hướng đến sự phát triển vững mạnh, hiện đại của ngành ngân hàng trong tương lai.
Nguồn: Hoàng Lan - congthuong.vn