Là nội dung của hội thảo do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, Viện Môi trường và Tài nguyên tổ chức ngày 18/12 trước thực trạng cấp bách về tình hình ô nhiễm nguồn nước tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. HCM hiện nay.
Hội thảo tập trung phân tích thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm; những khó khăn, bất cập trong quản lý và cải thiện chất lượng nguồn nước; tìm giải pháp cấp bách cho việc cải thiện chất lượng nguồn nước sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. HCM.
Theo đó, dù nhiều giải pháp đã được triển khai áp dụng nhưng đến nay, chất lượng nước sông, kênh, rạch TP. HCM vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Tình trạng lấn chiếm và vứt rác bừa bãi, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống lòng kênh rạch vẫn rất phổ biến, làm cho lòng kênh rạch bị co hẹp, cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm nghiêm trọng, thậm chí bị khai tử và là nơi phát sinh hàng loạt dịch bệnh, gây nguy hại cho đời sống, sức khỏe người dân.
Ông Cao Tung Sơn, Phó chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM) cho biết, tại các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Vàm Thuật, Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ, mức độ ô nhiễm hữu cơ tăng cao năm 2009 và giảm dần từ 2010 đến 2013. Tuy nhiên, từ năm 2014, mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng trở lại. Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. HCM (công ty đang phụ trách vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), lượng rác vớt ngày càng tăng, khoảng 4 - 5 tấn rác/ngày. Chưa kể, gần đây, lục bình phát triển dày đặc trên hệ thống kênh rạch nên việc trục vớt rác cũng gặp nhiều khó khăn. Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Phượng (Viện Môi trường và Tài nguyên), kênh rạch tại TP. HCM lâu nay bị ô nhiễm bởi các nguồn nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nước thải công nghiệp, y tế, bãi rác các khu dân cư… Trong đó, nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước sông rạch chủ yếu là nước thải sinh hoạt gần 1,2 triệu m3/ngày và nước thải công nghiệp 109.000 m3/ngày.
Ông Phạm Văn Tân (cá nhân tiêu biểu của hoạt động bảo vệ môi trường khu dân cư) đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: LV.
Ngoài ra, những bất cập trong công tác quản lý đã góp phần khiến tình trạng ô nhiễm thêm nghiêm trọng. Cụ thể, trên toàn địa bàn thành phố có tổng thể 3.268 tuyến sông, kênh rạch với tồng chiều dài hơn 5.000 km nhưng có đến 4 đơn vị cùng quản lý (Khu Quản lý thủy Nội địa quản lý 112 tuyến sông, kênh, rạch chiều dài khoảng 975km; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 2.247 tuyến dài gần 3.000 km; Trung tâm Chống ngập quản lý 680 tuyến chiều dài khoảng 845 km; còn lại UBND quận, huyện quản lý 229 tuyến với chiều dài khoảng 331 km). Tuy nhiên, 4 đơn vị này chỉ quản lý khai thác, sử dụng và cấp phép xả thải ra sông, kênh rạch, còn chất lượng nguồn thải không đảm bảo yêu cầu thì lại do Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm. Điều này đã dẫn tới thực tế là Sở Tài nguyên và Môi trường không nắm rõ đối tượng xả thải vào nguồn nước nên không thể lên kế hoạch kiểm tra định kỳ. Mặt khác, Luật Bảo vệ môi trường đã có những quy định xử phạt nhưng chưa thể thực hiện vì Luật không xác định rõ lực lượng có chức năng thanh kiểm tra và xử phạt.
Hầu hết các ý kiến tại hội thảo cho rằng, giải pháp trước mắt để giảm thiểu ô nhiễm nước kênh rạch là dựa vào cộng đồng. Bên cạnh việc xây dựng mạng lưới thu gom rác, tăng cường các biện pháp quản lý, đăng ký xả thải vào nguồn nước…, cần có thêm những biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, nhất là chế tài và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Lam Vân