Đó là hy vọng của Tiến sĩ Đào Hà Trung - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Công nghệ cao TP.HCM đồng thời là Lãnh sự danh dự Cộng hòa Áo tại TP.HCM về sản xuất nông nghiệp.
TS. Đào Hà Trung (bìa phải) tại Hội thảo “Đầu tư và quản lý cơ sở y khoa theo tiêu chuẩn châu Âu”
Xin ông cho biết sự liên hệ giữa công việc của một Lãnh sự danh dự và vai trò của ông tại Hội Công nghệ cao?
TS Đào Hà Trung: Đây là điều kiện hết sức thuận lợi và may mắn cho tôi. Nhiều khi cùng một chương trình hoạt động, tôi vừa phục vụ cho Hội vừa thúc đẩy hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Áo. Chúng tôi đã đạt được một số kết quả cụ thể như kết nối ĐHQG TP.HCM với ĐH Y Khoa Wien để thành lập khoa Y ĐHQG TPHCM với phương pháp giảng dạy Y khoa tiên tiến hay phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Wien để đưa công nghệ luyện đồng tinh khiết của Áo hợp tác với tập đoàn Than Khoáng sản...
Ông đánh giá thế nào về tình hình đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh doanh của Việt Nam trong tương quan với các quốc gia trong khu vực?
Nhìn chỉ số về năng suất lao động của Việt Nam so với các nước khác kém như thế nào là ta khắc biết về tương quan của chúng ta với thế giới trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến. Nhìn cơ cấu hàng hóa xuất khẩu thì biết Doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) đang tạo ra loại sản phẩm gì, sáng tạo đến đâu. Tôi cho là chưa đến lúc chúng ta tự hào về sự sáng tạo trong hoạt động kinh doanh của DNVN.
Theo ông, có những cơ hội và thách thức nào đối với nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn cầu cùng với các hiệp định song phương, đa phương hiện nay?
Cơ hội thì rõ rồi, vấn đề nằm ở chỗ có khả năng đón nhận cơ hội không. Tôi không tin là nếu Việt Nam thành công trong việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình (TPP) chẳng hạn, thì nền kinh tế sẽ được cải thiện lập tức, các loại hàng hóa sẽ tự động xuất khẩu ào ào sang Mỹ, Nhật, Úc …các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam... Cái mà chúng tôi lo là ngược lại, nếu ta không tự đổi mới, DN Việt Nam sẽ không kịp chống đỡ trước sản phẩm dịch vụ từ ngoài tràn vào thị trường nội địa. Bài học WTO vẫn còn đó, tươi roi rói.
Hiện nay cơ hội đầu tư trong khu vực đang chạy sang nước khác như Indonesia, Philippines, Myanmar hay thậm chí là Lào và Cambodia. Bản chất của kinh tế toàn cầu là “phẳng” và “chảy” về chỗ được ưu đãi và bảo vệ cho sự làm giàu. Đấy cũng là thách thức cho Việt Nam lúc này.
Với Việt Nam, trước mắt nên xác định trọng tâm để phát triển nền kinh tế nội địa và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu dựa vào những gì mình có yếu tố thuận lợi nhất và có khả năng làm tốt nhất. Sau đó dùng các ưu đãi về chính sách, vốn… để áp dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực ấy tạo ra sản phẩm cạnh tranh toàn cầu
Vậy theo ông, chúng ta nên tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực, ngành nghề nào?
Tôi cũng đồng tình với đề xuất phát triển ngành công nghệ thông tin. Lý do là cần ít vốn, thu hồi nhanh và ta có nhiều nhân lực trẻ. Chỉ mấy cái laptop với đường truyền internet là bạn có thể tạo ra sản phẩm có giá trị chất xám cao.
Thứ hai là ngành Cơ khí: người Việt Nam rất khéo tay, với một số vốn đầu tư không lớn có thể sửa chữa được, sản xuất được rất nhiều thứ không cần mua mới hay nhập ngoại về. Ta còn nghèo, người chưa có việc làm thì đông mà đi nhập từng cái tăm đến con ốc vít thì xót ruột lắm.
Xong ta phải nhìn thấy cái lớn hơn, rõ hơn, mang tính chiến lược: gần 65 triệu dân Việt Nam là nông dân và còn nghèo lắm. Nếu phát triển được ngành nông nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm nghèo, giảm bất bình đẳng về thu nhập (dẫn đến giảm bất bình đẳng ở những vấn đề khác) sẽ làm cho xã hội Việt Nam phát triển an toàn hơn và cả xã hội Việt Nam hạnh phúc hơn. Chưa kể 65 triệu người nông dân là thị trường khổng lồ nếu họ có tiền mua sắm thì ai tham gia vào thị trường Việt Nam cũng được hưởng lợi.
Theo ông, mô hình liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đối với việc ứng dụng công nghệ cao trong kinh doanh tại Việt Nam đang như thế nào? Là một người sống ở nước ngoài lâu năm, ông có so sánh gì với các quốc gia khác?
Tôi không định so sánh Việt Nam với nước nào và đánh giá mô hình của chúng ta vì mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng so với bản thân, chúng ta đang tăng trưởng đuối dần với mức tăng GDP khoảng trên 5% như hiện nay so với trước đây là 7-8%. Bây giờ là lúc xắn tay vào việc một cách thật sự cụ thể và ngay lập tức bắt đầu từ chỗ dễ đến khó, bắt đầu từ doanh nghiệp của mỗi người dù to hay nhỏ đến các tập đoàn lớn. Hãy xem mình có thể cải tiến được gì, tiết kiệm được gì, cần công nghệ gì để cạnh tranh hơn. Đừng chờ đợi nhà nước sẽ có một mô hình nào đó có sức mạnh thần kỳ cho doanh nghiệp của bạn phát triển. Đừng quên là với mô hình nào thì bạn cũng phải tự làm và tự rút ra các bài học từ kinh nghiệm thất bại.
Theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để được tiếp cận các giải pháp về công nghệ để gia tăng sức cạnh tranh?
Chính phủ cần xác định các ngành nghề ưu tiên dựa trên tiêu chí khách quan như đã nêu trên. Sau đó chính phủ phải hỗ trợ cho ngành trọng điểm ấy áp dụng công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm cạnh tranh bằng nhiều cơ chế khác nhau. Doanh nghiệp non trẻ Việt Nam mà không có sự hỗ trợ của nhà nước, phải tự bươn chải thì sẽ mất rất nhiều thời gian và xương máu mới hy vọng có chỗ đứng ở thị trường toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam phải nói với chính phủ điều ấy để được hỗ trợ.
Thứ hai, doanh nghiệp phải ý thức được mình đang hoạt động trong nền kinh tế thị trường cần tăng năng suất lao động, áp dụng công nghệ tiên tiến sản xuất các sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Muốn vậy phải mạnh dạn thử nghiệm, liên kết, hợp tác với các đối tác, dùng nhân lực có thể hiểu biết và áp dụng công nghệ cao. Mỗi doanh nghiệp sẽ tìm ra hướng đi riêng cho mình qua quá trình tự đổi mới.
Hội Công nghệ cao có thể hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp, thưa ông?
Thứ nhất là chúng tôi đóng góp ý kiến với các cơ quan chức năng về những vấn đề chúng tôi tâm huyết để hỗ trợ cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến.
Thứ hai, chúng tôi kết nối các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài với doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ ba, chúng tôi sẽ đầu tư vào một số công nghệ có triển vọng cho thị trường Việt Nam và cùng doanh nghiệp trong nước thực hiện dự án.
Cuối cùng, chúng tôi mong muốn được tham gia hỗ trợ việc đào tạo ra thế hệ lãnh đạo DN trẻ hiểu biết công nghệ và có khả năng sáng tạo cao. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ có “Steve Jobs” của mình trong lĩnh vực cá basa hay gạo hay cà phê hoặc thậm chí trong lĩnh vực IT.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng