Tập huấn truyền thông về phần mềm tự do nguồn mở
11/10/2010
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Ngày 06/10/2010, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức khóa tập huấn truyền thông về phần mềm tự do nguồn mở cho gần 30 phóng viên, nhà báo KH&CN khu vực phía Bắc.
Ông Lê Trung Nghĩa– Trưởng ban Ban Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (Văn phòng phối hợp phát triển môi trường KH&CN– Bộ KH&CN) đã giới thiệu các khái niệm, lịch sử, khía cạnh pháp lý, lập trình viên nguồn mở, vấn đề kinh tế, hành chính nhà nước; vấn đề an ninh không gian mạng ngày nay và sự dịch chuyển sang công nghệ mở.
Thời gian gần đây, ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) là một trong những giải pháp hàng đầu hỗ trợ đắc lực các tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm làm chủ công nghệ, tránh độc quyền, giảm chi phí mua phần mềm, góp phần đảm bảo khả năng thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các cơ quan nhà nước, đồng thời góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phần mềm trong nước.
Ông Lê Trung Nghĩa cho biết, phần mềm tự do không phải là “miễn phí”, “biếu không” hay “không mất tiền”. Trong khái niệm phần mềm tự do do Quỹ phần mềm tự do (FSF) đưa ra có nhắc đến 4 quyền: tự do chạy chương trình vì bất kỳ mục đích gì, ở bất cứ đâu và vĩnh viễn; tự do nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu, điều này cần tới sự truy cập vào mã nguồn; tự do phân phối các bản sao; tự do cải tiến và phân phối bản đã cải tiến. Cơ chế đảm bảo cho những quyền tự do này được thông qua giấy phép.
Hiện nay các cơ quan, doanh nghiệp đang phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh không gian mạng (KGM). Vì vậy, cần đẩy mạnh phân tích KGM và các khả năng cảnh báo, cải thiện an ninh KGM các hệ thống kiểm soát hạ tầng, tăng cường khả năng của các cơ quan chuyên trách để giúp phục hồi từ phá hoại Internet, đảm bảo an ninh các hệ thống thông tin nội bộ, phát triển các kế hoạch đặc thù cho từng khu vực với các tiêu chí về an ninh KGM, hoàn thiện chính sách về triển khai ứng dụng phần mềm tự do nguồn mở,…
Những nội dung được trình bày tại khóa học không chỉ cung cấp cho các nhà báo tri thức về công nghệ tự do mà còn giúp định hướng nhận thức, triển khai sử dụng, tham gia phát triển và tuyên truyền cho những người khác cùng thực hiện một cách thành công và có hiệu quả các công nghệ đó.
QA (Bộ KH&CN)