SpStinet - vwpChiTiet

 

Hơn 120 đơn vị khởi nghiệp quy tụ tại sự kiện lớn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Với hàng loạt sự kiện như hội thảo, triển lãm, cuộc thi và trao giải, Triển lãm Công nghệ và Hội nghị Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (SLUSH 2017) được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị White Palace trong hai ngày 27 - 28/10, tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm gồm giáo dục, giải pháp thành phố thông minh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (KNĐMST).

Triển lãm này nằm trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE 2017) do UBND TP.HCM phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức. Sở KH&CN TP.HCM, Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) và Hatch! Adventures Việt Nam cùng thực hiện.

Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, TP.HCM xác định mô hình phát triển kinh tế bền vững theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ĐMST và khởi nghiệp. Thành phố đã ban hành và triển khai nhiều chương trình và kế hoạch hành động, với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đồng bộ. Nổi bật là Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ĐMST, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016 – 2020, Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Kế hoạch hoàn thiện Hệ sinh thái khởi nghiệp tại TP.HCM, Quy chế phối hợp hỗ trợ KNĐMST,… Sáng kiến tổ chức WHISE thể hiện rõ cam kết của chính quyền thành phố trong việc kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp, sớm đưa TP.HCM trở thành thành phố của ĐMST và khởi nghiệp trong cả nước và khu vực. Sự kiện này cũng đánh dấu bước hợp tác quan trọng trong quan hệ giữa TP.HCM và Phần Lan.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại lễ khai mạc SLUSH 2017. Ảnh: LV.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ đã và đang nỗ lực xây dựng và đồng bộ hóa hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách cần thiết hỗ trợ cho ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cấp trung ương và địa phương đã được khởi động để thúc đẩy ươm tạo, đào tạo và tư vấn khởi nghiệp, thương mại hóa công nghệ, tài trợ và hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Trong đó, Chương trình IPP đã nỗ lực kết nối và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Phần Lan đến với TP.HCM để phát triển các cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường. Chương trình IPP được thực hiện tại Việt Nam đã mang lại hiệu ứng tích cực cho sự phát triển các thành phố trong hệ thống ĐMST quốc gia, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái KNĐMST của Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), thời gian qua Sở đã triển khai hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái ĐMST với tổng mặt bằng các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp trên 22.000m2, xây dựng quy chế phối hợp hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất – kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho hoạt động ĐMST và khởi nghiệp; hỗ trợ đào tạo – tư vấn – nâng cao chất lượng nhân lực cho hoạt động ĐMST; hỗ trợ R&D – thương mại hóa sản phẩm KH&CN; kết nối – hợp tác ĐMST giữa các thành phần hệ sinh thái KNĐMST với 145 chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp/mentor; hợp tác với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế ở Phần Lan, Canada, Thụy Sĩ, Hàn Quốc,… Thời gian tới, Sở KH&CN TP.HCM sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động hỗ trợ ĐMST, trong đó phải kể đến việc hỗ trợ hình thành các không gian hỗ trợ hoạt động ĐMST và khởi nghiệp theo hình thức hợp tác công tư (PPP); triển khai Đề án liên kết nguồn lực thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm, năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN; xây dựng các chương trình mục tiêu theo lĩnh vực quan trọng như: đô thị thông minh, khoa học dữ liệu (Big Data), ứng dụng và phát triển công nghệ vi mạch, công nghệ in 3D,…

Lãnh đạo Bộ KH&CN, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam cùng các đại biểu tham quan các gian hàng startup tại triển lãm. Ảnh: LV.

Bên cạnh các hội thảo nhằm giới thiệu tầm nhìn, định hướng phát triển KNĐMST theo định hướng kinh tế - xã hội của Thành phố và chia sẻ kinh nghiệm Phần Lan – Việt Nam, SLUSH quy tụ hơn 120 đơn vị khởi nghiệp trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Trong đó có các startup đến từ Chương trình SpeedUp 2017 của Sở KH&CN TP.HCM, các doanh nghiệp từ các tỉnh Đông Nam Bộ, các doanh nghiệp khởi nghiệp có hoạt động ĐMST, các startup từ các vườn ươm cũng như những đơn vị tham gia chung kết cuộc thi khởi nghiệp thường niên tổ chức bởi Hatch! Adventures Việt Nam và đối tác, để cùng nhau kết nối và quảng bá các hoạt động của mình tới cộng đồng và thu hút đầu tư. Có thể kể đến các sản phẩm, ý tưởng, giải pháp sáng tạo như chuyển hóa chất thải thành năng lượng hữu ích; thiết bị sấy thực phẩm bằng năng lượng mặt trời; hệ thống iTeleM ứng dụng cho hội chẩn y tế trực tuyến và chẩn đoán từ xa; máy hơ ngải cứu;... Ngoài ra, triển lãm cũng là cơ hội để các công ty tới từ Phần Lan giới thiệu các giải pháp dịch vụ có liên quan.

Hội nghị KNĐMST với chủ đề “Những câu chuyện chưa kể”, xoay quanh những bài học kinh nghiệm của HATCH! Ventures trong quá trình 5 năm phát triển cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam; chia sẻ kiến thức và luận bàn về xu hướng công nghệ chủ đạo hiện tại và tương lai như Blockchain, Internet kết nối vạn vật – Internet of Things, Dữ liệu lớn – Big Data, thực tế ảo tăng cường – AR, trí tuệ nhân tạo – AI, thiết bị đeo thông minh,… cùng những ứng dụng của chúng trong hoạt động đầu tư và khởi nghiệp. Bên cạnh đó, chương trình còn mang đến những diễn giả hàng đầu chia sẻ về đầu tư khởi nghiệp, phát triển bền vững, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nữ, tác động của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho sự phát triển của thành phố,…

Trong sự kiện SLUSH còn diễn ra vòng chung kết 5 cuộc thi khởi nghiệp của HATCH! Competition Series 2017, là nơi tranh tài của gần 40 công ty khởi nghiệp và ý tưởng kinh doanh xuất sắc nhất để có cơ hội nhận giải thưởng gồm tiền mặt, vốn đầu tư phi cổ phần cùng với chương trình tư vấn và ươm mầm khởi nghiệp từ HATCH! và đối tác.

Hình ảnh tại chung kết cuộc thi khởi nghiệp vì phát triển bền vững. Ảnh: LV.

Đó là cuộc thi Hatch! Battle 2017, dành cho các khởi nghiệp phát triển trên nền tảng KH&CN và ĐMST; các đội đạt giải cao nhất (GaraSTEM, Green Architecture 1516, Bạn uống tôi lái) sẽ tiếp tục tranh tài tại Seedstars Summit vào tháng 4/2018 tại Thụy Sĩ, nơi đội giành giải nhất sẽ được trao danh hiệu Seedstars World Global Winner.

Cuộc thi Slush GIA, dành cho các khởi nghiệp mang lại ảnh hưởng xã hội, đội chiến thắng là iNext Technology với giải thưởng nhận được là chuyến tham dự triển lãm và hội nghị khởi nghiệp hàng đầu châu Âu SLUSH vào tháng 12/2017.

Cuộc thi khởi nghiệp vì mục tiêu phát triển bền vững (SDG Challenge 2017), với 3 đội thi đoạt giải (không có giải cao nhất) bao gồm: Imagtor, Sign language Interpreter, Triip me Save your Ocean. Các đội nhận được tài trợ tài chính lên đến 45.000 USD để tiếp tục phát triển dự án theo chương trình Ươm mầm khởi nghiệp, quản lý bởi HATCH! và UNDP Việt Nam.

Cuộc thi Creative Business Cup Việt Nam 2017 dành cho các ý tưởng kinh doanh mới trong các ngành sáng tạo; đội đoạt giải là GaraSTEM, sẽ tiếp tục tham gia thi đấu tại vòng Chung kết toàn cầu tại Đan Mạch.

Cuộc thi Hatch! Battle Junior 2017, dành cho các ý tưởng khởi nghiệp từ học sinh, sinh viên. TOP 3 cuộc thi là Tripanio (quán quân), The Order và Tổ chức Việt Nam hỗ trợ bình đẳng giới với giải thưởng là 5.000 USD và chuyến đi đến Thượng Hải tham gia bán kết, tìm kiếm cơ hội tham gia vòng chung kết tại Ohio, Mỹ.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả